Fica
  1. Doanh nghiệp

H&M, Nike và loạt thương hiệu đối mặt làn sóng bị tẩy chay ở Trung Quốc

H&M cùng một loạt thương hiệu thời trang khác đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc.

HM, Nike và loạt thương hiệu đối mặt làn sóng bị tẩy chay ở Trung Quốc - 1

H&M đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Tối qua (24/3), đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cùng nhiều cơ quan truyền thông nước này đã đăng tải bài viết phản đối và kêu gọi tẩy chay hãng thời trang H&M sau khi thương hiệu này tuyên bố sẽ không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương và không mua bông sản xuất ở Tân Cươn

Sự phẫn nộ này bắt đầu nổi lên từ những bình luận trên mạng xã hội Sina weibo kèm theo đó là các hashtag kêu gọi gỡ bỏ sản phẩm của H&M.

"Muốn kiếm tiền ở Trung Quốc trong khi tung tin đồn thất thiệt và tẩy chay bông Tân Cương? Thật ngông cuồng!", tài khoản weibo của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc bình luận.

Nike có thể là thương hiệu tiếp theo bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay. Trong một tuyên bố trên website của mình, Nike cho biết: "Chúng tôi đã xác nhận với các nhà cung cấp của mình sẽ không sử dụng hàng dệt hoặc bông từ khu vực này (Tân Cương)".

Hôm 24/3, Nike cũng nằm trong danh sách những từ khóa tìm kiếm "hot" trên weibo. Người tiêu dùng Trung Quốc giận dữ khi Nike cũng tham gia vào cuộc tẩy chay bông từ Tân Cương.

Tuy nhiên, hãng Nike từ chối bình luận về vấn đề này.

Washington Post đã dẫn tuyên bố của một số diễn viên Trung Quốc đang có hợp đồng quảng cáo cho H&M cho biết, họ sẽ hủy các hợp đồng này và cắt đứt quan hệ với H&M vì "lợi ích quốc gia là trên hết".

Ngay từ tối 24/3, ít nhất 3 sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc là Pinduoduo, Jingdong và Tmall đã gỡ các kết quả tìm kiếm về H&M và gỡ các sản phẩm của thương hiệu này.

Trong bài phản hồi đăng trên weibo, H&M Trung Quốc đã cho biết: "Tập đoàn H&M luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc" và nói thêm: "Chúng tôi cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Trung Quốc".

H&M là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới tính theo doanh số, sau Inditex - chủ sở hữu của Zara. Trung Quốc là thị trường lớn thứ tư của họ.

Đài truyền hình CCTV đã chỉ trích H&M rằng, đó là "một tính toán sai lầm" và cho hay H&M "chắc chắn sẽ phải trả giá đắt cho hành động sai lầm của mình".

Nhật Linh
Theo Washington Post