Văn bản trên do ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội ký có nội dung: Ngày 2/8/2019, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có Công văn số 24/HATAS-CV về việc đề nghị được đối thoại với Thủ tướng về các vấn đề nóng hiện nay thuộc Dự thảo sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP trong đó nội dung chủ chốt mà Hiệp hội mong muốn được đối thoại với Thủ tướng Chính phủ là về chỉ đạo của Thủ tướng đối với Bộ Giao thông vận tải được nêu tại cuộc họp sơ kết An toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019: “Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ theo hướng bỏ quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi (bao gồm xe hợp đồng, xe du lịch)”.
Trong Công văn số 24 này, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đã đưa ra các quan điểm của Hiệp hội và của cộng đồng các doanh nghiệp vận tải taxi đối với chỉ đạo nói trên của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, khi mong muốn đối thoại chưa thành hiện thực thì theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, ngày 7/8/2019 vừa qua, bản Dự thảo Nghị định lần thứ 10 sau Thông báo kết luận số 273 của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp An toàn giao thông đã được Bộ Giao thông vận tải công bố. Theo đó có nội dung yêu cầu bỏ quy định gắn hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, dùng công nghệ để quản lý.
Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, nội dung dự thảo đã khiến cộng đồng các doanh nghiệp taxi hoang mang, lo lắng.
Hiệp hội Taxi Hà Nội tiếp tục kính đề nghị Thủ tướng tổ chức một cuộc đối thoại với Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp taxi cả nước về những vấn đề trong bản Dự thảo Nghị định (lần thứ 10) thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.
Hiệp hội cho rằng đối thoại là để "lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp taxi (đối tượng chịu sự điều chỉnh và tác động trực tiếp của Dự thảo Nghị định)".
Trước đó, ngày 2/8/2019, Hiệp hội Taxi Hà Nội có văn bản số 24 đề nghị được đối thoại với Thủ tướng về các vấn đề nóng hiện nay thuộc Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
Văn bản do ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội có nội dung: Từ năm 2014, các ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải phát triển rất mạnh mẽ. Ngoài ứng dụng Uber, Grab thì còn có Bee, Emddi và ứng dụng của chính các doanh nghiệp taxi như Mai Linh, Vinasun, G7... Điều này đã làm nảy sinh những bất cập mới nhưng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh.
Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã trình dự thảo lần 9 nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô thay thế nghị định số 86/2014/NĐ-CP, sau hơn 3 năm xây dựng dự thảo với nhiều lần tiếp thu ý kiến, tổng hợp, giải trình, báo cáo Thủ tướng.
Hiệp hội taxi Hà Nội nhận định dự thảo nghị định lần 9 đã nhận được sự nhất trí cao từ cơ quan chủ trì soạn thảo cho đến các cơ quan, đơn vị tham mưu.
Trong đó, nội dung quan trọng nhất và được quan tâm, đồng thuận nhiều nhất là việc các hãng Grab, Uber… (mà người dân vẫn quen gọi là taxi công nghệ) đã được xác định là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải với hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Kèm theo đó, hình thức quản lý loại hình kinh doanh vận tải này cũng đã được dự thảo quy định bằng hình thức hợp đồng điện tử và phải gắn hộp đèn trên nóc xe đối với ô tô dưới 9 chỗ.
Tuy nhiên, theo hiệp hội, thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu lại dự thảo nghị định. Trong đó có nội dung yêu cầu bỏ quy định gắn hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, dùng công nghệ để quản lý.
Chính vì vậy, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Thủ tướng tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với các hiệp hội, các doanh nghiệp taxi, các doanh nghiệp phần mềm công nghệ về quy định gắn hộp đèn nóc xe đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp.
Nguyễn Dương