Fica
  1. Doanh nghiệp

Hé lộ kết quả kinh doanh của VinFast trước thềm IPO lên sàn chứng khoán Mỹ

Ninh An
Ninh An

VinFast tự đánh giá là một công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng nên sẽ có một giai đoạn lịch sử thua lỗ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm cũng như vốn lưu động âm.

Theo thông tin từ Vingroup, trong ngày 7/12, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd. công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO).

Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), kết quả kinh doanh của VinFast trong thời gian gần đây cũng được tiết lộ.

VinFast lưu ý doanh nghiệp này đã dừng sản xuất các sản phẩm xe đốt trong ICE từ đầu tháng 11/2022 do đó lịch sử kết quả kinh doanh không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy kết quả dự kiến trong bất kỳ khoảng thời gian nào trong tương lai.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của VinFast ở mức 105.381 tỷ đồng, tăng 23,5% so với mức 85.321 tỷ đồng hồi 31/12/2021. Cuối quý III/2022, công ty này nắm giữ 1.845 tỷ đồng tiền mặt, giảm 39% so với mức 3.025 tỷ đồng hồi 31/12/2021. Bù lại, giá trị hàng tồn kho tăng lên 12.514 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức 6.684 tỷ đồng. Tổng tài sản ngắn hạn của VinFast cuối quý III ở mức 36.857 tỷ đồng, tăng 38% so với mức 26.692 tỷ đồng cuối năm ngoái.

Là nhà sản xuất công nghiệp nên VinFast đầu tư mạnh vào tài sản cố định, máy móc nhà xưởng. Tại ngày 30/9/2022, giá trị tài sản cố định ròng ở mức 61.499 tỷ đồng (tăng 19% so với ngày 31/12/2021), gấp 1,7 lần so với tổng tài sản ngắn hạn.

Một số khoản mục trên bảng cân đối kế toán của VinFast.

Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả ngắn hạn tại ngày 30/9/2022 là 126.989 tỷ đồng, tăng 45% so con số 87.305 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021. Phải trả dài hạn ở mức 83.213 tỷ đồng, tăng nhẹ 11% so với 74.957 tỷ đồng cuối năm ngoái. Điều đáng lưu ý là VinFast ghi nhận khoản lỗ sau thuế chưa phân phối âm 111.915 tỷ đồng trong phần vốn chủ sở hữu.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, trong 9 tháng, VinFast ghi nhận 10.500 tỷ đồng doanh thu, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá vốn hàng bán lớn cũng như chi phí vận hành (nghiên cứu đầu tư phát triển, bán hàng,..) và chi phí lãi vay cao nên trong 9 tháng VinFast lỗ ròng sau thuế 34.535 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2021, VinFast cũng ghi nhận mức lỗ ròng 18.000 tỷ đồng.

Nhận xét về những con số âm trong báo cáo tài chính, VinFast cho biết mình là một công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng nên sẽ có một giai đoạn lịch sử thua lỗ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm cũng như vốn lưu động âm.

Kết quả kinh doanh của VinFast.

VinFast dự kiến sẽ tiếp tục chịu lỗ hoạt động và lỗ ròng trong thời gian tới khi mở rộng quy mô sản xuất VF e34 (phân khúc C), VF 5 (phân khúc A), Các xe VF 6 (phân khúc B), VF 7 (phân khúc C), VF 8 (phân khúc D) và VF 9 (phân khúc E), thiết lập các hoạt động sản xuất và mở rộng mạng lưới tiếp thị, bán hàng và dịch vụ tại các thị trường mục tiêu trên toàn cầu.

Công ty này cũng tự đánh giá khả năng đạt được lợi nhuận, dòng tiền dương từ hoạt động kinh doanh và thặng dư vốn lưu động ròng của sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm khả năng đạt được sự chấp nhận của thị trường, tăng cường tận dụng năng lực sản xuất để sản xuất xe điện với số lượng lớn theo kế hoạch và tăng doanh số.

VinFast cho biết Tập đoàn Vingroup đã phát hành thư hỗ trợ liên quan đến việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020 và 2021 của VinFast và soát xét báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ chưa kiểm toán 9 tháng đầu năm. Điều này giúp Vingroup đánh giá và sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính đủ để đáp ứng nhu cầu về hoạt động sản kinh doanh cũng như các thủ tục cần thiết để tạo điều kiện cho sự hỗ trợ đó.

Công ty sản xuất xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết trong thời gian tới sẽ cần bổ sung một lượng vốn đáng kể để hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. VinFast kỳ vọng vốn huy động được giúp bổ sung vốn lưu động cũng như bổ sung vào vốn chủ sở hữu cho doanh nghiệp.

Ninh An

Nguồn: BCTC
Tin liên quan