Fica
  1. Doanh nghiệp

Hé lộ “bức tranh kinh doanh” của Nhà xuất bản Giáo dục

Bài lấy lại
Bài lấy lại

“Giá sách giáo khoa cho năm học 2019-2020 đã được điều chỉnh, bù đắp được một phần chi phí, nhưng vẫn không đủ giảm hết lỗ trong xuất bản sách giáo khoa”, NXB Giáo dục cho hay.

Giá sách giáo khoa tăng vẫn không đủ để giảm hết lỗ!

Theo một báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì trong 3 năm từ 2017 đến 2019, các chỉ tiêu về sản lượng sản xuất, tổng doanh thu của đơn vị này đều tăng trưởng khá tốt.

Hé lộ “bức tranh kinh doanh” của Nhà xuất bản Giáo dục - 1

NXB Giáo dục VN cho biết vẫn chưa thể bù hết lỗ trong hoạt động xuất bản SGK (ảnh: Mỹ Hà / Dân Trí)

Doanh thu hàng năm của NXB Giáo dục đều vượt trên 1.000 tỷ đồng và lãi thu về đều đạt trên 100 tỷ đồng.

Riêng năm 2019, với sản lượng sản xuất sách giáo khoa là 125,17 triệu bản (tăng 10,2% so với năm 2018), tổng doanh thu mà NXB Giáo dục đạt được là 1.482 tỷ đồng, trong đó, riêng doanh thu sách giáo khoa là 967 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 20% và 31,7% so với năm 2018.

Lãi trước thuế của năm 2019 đạt 131,9 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm trước. Tuy vậy, trong năm 2019, số nộp ngân sách của NXB Giáo dục lại giảm xuống 91 tỷ đồng so với mức đóng góp 160 tỷ đồng của năm 2018.

Hiện tại, NXB Giáo dục đã giảm số lượng công ty nắm trên 50% vốn điều lệ từ con số 11 xuống còn 8 công ty. Cuối năm 2019, nhà xuất bản đã thoái một phần vốn tại Công ty CP Sách Dân tộc và đưa tỷ lệ nắm giữ xuống 49%; thoái hết vốn tại Công ty CP Sách và TBTH Hoà Bình hồi tháng 11/2018 và thoái hết vốn khỏi Công ty CP Thiết bị Giáo dục 1 vào tháng 11/2018.

Một số công ty có lợi nhuận khá tốt trong năm 2019 là Công ty CP Sách và TBTH TPHCM (lãi 15,47 tỷ đồng); Công ty CP Sách và TBGD Miền Nam (lãi 9,64 tỷ đồng); Công ty CP Sách và TBGD Miền Trung (lãi 4,66 tỷ đồng)… Các công ty đều có lãi trong năm 2019, duy nhất Công ty CP Học liệu ghi nhận lỗ 3,1 tỷ đồng.

Nhà xuất bản này lên kế hoạch cho năm 2020 sẽ xuất bản sách giáo khoa với sản lượng giảm gần 3 triệu bản so với năm ngoái, xuống 122,4 triệu bản. Tổng doanh thu mục tiêu là 1.307 tỷ đồng (thấp hơn năm 2019) tuy nhiên, mục tiêu doanh thu từ sách giáo khoa lại tăng lên 1.010 tỷ đồng, tương ứng tăng 4,4% so với thực hiện của năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế của năm 2020, NXB Giáo dục lên kế hoạch đạt 125 tỷ đồng và nộp ngân sách 97 tỷ đồng.

Hé lộ “bức tranh kinh doanh” của Nhà xuất bản Giáo dục - 2

(Đơn vị: tỷ đồng; Số liệu: NXB Giáo dục VN)

“NXB Giáo dục đã bước vào cạnh tranh thực sự, khốc liệt”

Trong 3 năm 2017, 2018, 2019, NXB Giáo dục khẳng định đã huy động các nguồn lực triển khai xuất bản - in - phát hành sách giáo khoa đáp ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời phục vụ học sinh, giáo viên trên cả nước, không để xảy ra tình trạng thiếu sách, sốt sách.

Kết quả kinh doanh trong 3 năm vừa rồi được cho biết là đạt và vượt kế hoạch được giao, tài chính minh bạch, lành mạnh; nộp ngân sách đúng và đủ.

Trong giai đoạn 3 năm này, ngoài các giải pháp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, cắt giảm chi phí thì NXB còn có khoản thu từ hoạt động thoái vốn, hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính.

Cụ thể, năm 2017, NXB Giáo dục thoái toàn bộ vốn đầu tư tại hai công ty là Công ty CP Thiết bị giáo dục 1 và Công ty CP Đầu tư tài chính Giáo dục. Tổng giá trị đầu tư đã thoái là 32,18 tỷ đồng.

Năm 2018, nhà xuất bản này thoái toàn bộ vốn đầu tư tại 6 công ty (Công ty CP Sách và TBTH Hà Giang, Công ty CP Sách và TBTH Hòa Bình; Công ty Tân Mai Lâm Đồng, Tân Mai Miền Đông, Tân Mai Tây Nguyên và Tân Mai Miền Trung) và thu hồi vốn đầu tư tại 1 công ty do công ty giải thể (Công ty CP Giáo dục Phổ thông). Tổng giá trị đầu tư đã thoái là 9,53 tỷ đồng.

Năm 2019, NXB Giáo dục thoái toàn bộ vốn đầu tư tại 2 công ty (Công ty CP Sách điện tử Giáo dục, Công ty CP Sách và TBTH Hà Tĩnh) và thoái 1 phần vốn đầu tư tại Công ty CP Sách dân tộc (giảm tỉ lệ nắm giữ từ 51% xuống còn 49% vốn điều lệ). Tổng giá trị đầu tư đã thoái là 10,68 tỷ đồng.

Hé lộ “bức tranh kinh doanh” của Nhà xuất bản Giáo dục - 3

Lãnh đạo nhà xuất bản này cũng cho biết, mặc dù nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, sự ủng hộ của các ban, ngành trung ương, địa phương, sự quan tâm của xã hội… nhưng đơn vị này vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.

Cụ thể là, tình hình kinh tế xã hội tuy đã khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Giá vật tư, nguyên liệu, đặc biệt là giá giấy tăng rất cao (20% - 25%), chi phí vận chuyển ở mức cao, theo đó chi phí sản xuất lớn, đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất - kinh doanh.

“Giá sách giáo khoa cho năm học 2019-2020 đã được điều chỉnh, bù đắp được một phần chi phí, nhưng vẫn không đủ giảm hết lỗ trong xuất bản sách giáo khoa”, báo cáo của lãnh đạo NXB Giáo dục cho hay.

Thêm vào đó, tình trạng in lậu sách giáo dục tiếp tục gia tăng với nhiều hình thức tinh vi, tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động xuất bản - phát hành của NXB Giáo dục và các đơn vị trong hệ thống.

Chưa hết, tình hình kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng chưa bền vững, các nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến việc đầu tư vào các công ty cổ phần về lĩnh vực phát hành sách giáo khoa do lợi nhuận thấp nên kết quả thoái vốn của NXB Giáo dục còn hạn chế. Thủ tục, hồ sơ tài liệu và quá trình thoái vốn cần nhiều thời gian, kéo dài.

Theo lãnh đạo đơn vị này, “NXB Giáo dục đã bước vào cạnh tranh thực sự, khốc liệt, chịu sự chế tài bởi các quy định chặt chẽ đối với doanh nghiệp, rất khó khăn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân”.

Vận động sử dụng sách giáo khoa cũ

Nói về kế hoạch năm 2020, lãnh đạo NXB Giáo dục cho biết, đơn vị này ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa mới, rút kinh nghiệm từ việc tổ chức biên soạn các bộ sách giáo khoa lớp 1 để tập trung nguồn lực hoàn thành bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 chất lượng tốt để gửi Hội đồng Quốc gia thẩm định, và tổ chức xuất bản kịp thời đáp ứng được lộ trình thay sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT trong năm học 2021-2022.

Nhà xuất bản này cũng tổ chức biên soạn đồng thời các bộ sách bổ trợ mới, sách tham khảo thiết yếu, sách giáo dục địa phương, sách điện tử, học liệu điện tử kèm sách giáo khoa giấy và các phần mềm học trực tuyến.

Đồng thời, duy trì hợp tác với các đối tác trong, ngoài nước để đa dạng hoá và nâng cao tính cạnh tranh mảng sách Tiếng Anh.

Về công tác in, phát hành, NXB Giáo dục cho biết sẽ tiếp tục phát hành sách đến học sinh thông qua kênh công ty sách - TBTH địa phương, các đại lý, cửa hàng. Duy trì tỉ lệ tồn kho an toàn, dự báo thị trường để dự trữ sách cho từng thời điểm, không để thiếu sách, sốt sách, nhất là sách giáo khoa lớp 2, lớp 6. Xây dựng các phương án phát hành sách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 khó lường.

Đồng thời tiếp tục vận động sử dụng sách giáo khoa cũ; tăng cường hiệu quả sử dụng tủ sách giáo khoa dùng chung tại thư viện trường học, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa đến trường, không có học sinh phải bỏ học vì thiếu sách giáo khoa.

Lãnh đạo NXB cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai làm mẫu thiết bị giáo dục của NXBGDVN gắn với việc sử dụng các bộ sách giáo khoa mới. Đẩy mạnh kinh doanh thiết bị giáo dục, tiếp cận với các đề án, dự án liên quan đến thiết bị giáo dục để tham gia dự thầu, đấu thầu... với thương hiệu NXB Giáo dục.

Mai Chi