Fica
  1. Doanh nghiệp

Hãng hàng không Vinpearl Air sẽ khai thác những khung giờ nào?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đại diện Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng, Vinpearl Air chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ là khả thi. Tuy nhiên, việc khai thác vào khung giờ vàng, khung giờ đẹp tại 2 đầu Nội Bài và Tân Sơn Nhất là không còn.

Trong buổi làm việc tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiều 19/9 về việc thành lập các hãng hàng không mới, vấn đề phi công, nhân lực kỹ thuật cao và sân bay quá tải đã được đề cập tới.

Với Vinpearl Air, hãng này sẽ kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế, nội địa và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7/2020 với đội máy bay gồm 6 chiếc. Đến năm 2025, đội bay của Vinpearl Air đạt 36 chiếc.

Đại diện ACV cho hay, việc Vinpearl Air chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ là khả thi. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, việc khai thác vào khung giờ vàng, khung giờ đẹp tại 2 đầu Nội Bài và Tân Sơn Nhất là không còn.

Về việc này, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho rằng, kế hoạch đưa 5 - 6 tàu bay vào khai thác mỗi năm của Vinpearl Air là phù hợp.

“Về hạ tầng, việc Vinpearl Air lấy Hà Nội làm sân bay căn cứ là hợp lý. Với 6 tàu bay vào năm 2020, 2021 lên hơn 10 tàu, Nội Bài vẫn gánh được.” - Cục trưởng Đinh Việt Thắng nói.

Hãng hàng không Vinpearl Air sẽ khai thác những khung giờ nào? - 1

Hàng không Việt Nam có thêm một số hãng bay mới

Về nhân lực, ông Thắng cũng khẳng định cách tiếp cận thị trường của Vinpearl Air rất nghiêm túc khi đặt vấn đề nhân sự lên đầu tiên với việc công bố mở trường đào tạo trước khi công bố lập hãng. Hiện tại, trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã công bố chính thức tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.

Đối với Vietravel Airlines, theo đại diện ACV, do bay thuê chuyến (charter) là chủ yếu nên việc cấp slot tại 2 đầu sân bay này càng khó khăn hơn vì thứ tự ưu tiên cấp slot của chuyến bay charter thấp hơn chuyến bay thường lệ.

Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết ủng hộ chủ trương thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines, Vinpearl Air bởi tất cả các doanh nghiệp đều có quyền kinh doanh trong những lĩnh vực mà Nhà nước không cấm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp khi tham gia sẽ phải đáp ứng đúng, đủ các điều kiện theo yêu cầu. “Đã xây dựng dự án thì làm thế nào phải khả thi. Đã quyết định tham gia vào thị trường là phải chấp hành nghiêm các quy định.” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.

Liên quan đến năng lực giám sát an toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải đảm bảo duy trì năng lực giám sát an toàn hàng không ở mức cao nhất. Tuyệt đối không có chuyện cho tăng trưởng đội tàu bay vượt quá năng lực giám sát an toàn hàng không.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết, nếu không đảm bảo được việc giám sát an toàn, sẽ không cấp phép cho hãng hàng không. Đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người. Tuy nhiên, hiện nay, theo cân đối kế hoạch Cục Hàng không vẫn sẽ đảm bảo được.

Trong bối cảnh hàng không Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và nhiều hãng hàng không mới ra đời, ông Đinh Việt Thắng cũng nêu quan điểm: “Về luật pháp, không có gì cản trở các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi cái bánh đủ nuôi sống mọi người, số lượng đảm bảo việc cạnh tranh lành mạnh thì nên duy trì, không nên tăng quá nhiều. Thay vì có 50 hãng hàng không yếu, nên chăng ta chỉ có 10 hãng hàng không khỏe. Nếu không, năng lực cạnh tranh chung của ngành sẽ giảm sút rất lớn”.

Châu Như Quỳnh