Fica
  1. Doanh nghiệp

Hãng bay thuê chuyến đầu tiên Việt Nam được phê duyệt mức vốn 700 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam. Với tổng vốn 700 tỷ đồng, hãng hàng không thuê chuyến đầu tiên Việt Nam sẽ khởi đầu với 3 tàu bay.

Dự án vận tải hàng không lữu hành Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) thời gian hoạt động dự án 50 năm, đặt “đại bản doanh” ở Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế).

Với số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 3 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay, Dự án này gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự án sẽ có 9 tháng thực hiện đầu tư, tính từ khi phê duyệt chủ trương, bắt đầu khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.

Hãng bay thuê chuyến đầu tiên Việt Nam được phê duyệt mức vốn 700 tỷ đồng - 1

Hãng bay thuê chuyến đầu tiên Việt Nam được phê duyệt mức vốn 700 tỷ đồng

Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm chỉ đạo Vietravel Airlines trong giai đoạn thực hiện đầu tư tiếp tục hoàn thiện Dự án theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan; Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của Vietravel Airlines theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của Vietravel Airlines theo tiến độ thực hiện Dự án.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định và cấp phép kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và khả năng đáp ứng nguồn vốn của Nhà đầu tư; Giám sát việc phát triển đội tàu bay phải phù hợp với quy hoạch, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không, việc bố trí các nguồn lực của nhà đầu tư phát huy năng lực khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam trong 5 năm đầu khai thác góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước khoảng 3.650 tỷ đồng, đóng góp vào thu nhập quốc dân hơn khoảng 3.185 tỷ đồng, trong đó thu nhập cho lao động khoảng 1.982 tỷ đồng và hơn 1.203 tỷ đồng cho thặng dư xã hội.

Bộ này cho rằng Dự án hàng không Vietravel Airlines sẽ tạo việc làm cho khoảng 595 người góp phần giải quyết vấn đề xã hội, thu ngoại tệ cho đất nước trên các chuyến bay quốc tế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 2.460 tỷ đồng (thuế  thu nhập doanh nghiệp 519 tỷ đồng; thuế VAT 1.941 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án mới được tính toán ở mức sơ bộ, hiệu quả của dự án còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro khác do mô hình khai thác của Vietravel Airlines cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch thường tập trung tại các trung tâm vận tải hàng không như: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, trong khi sân bay căn cứ đặt ở Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có thị trường hành khách đi/đến không cao.

Trong khi đó, việc sử dụng các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm sẽ gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không đang trong tình trạng quá tải và đạt giới hạn khai thác trong thời gian tới. Bằng chứng là Bamboo Airways, Jetstar Pacific hiện đang khai thác nhưng vẫn còn thua lỗ, một số trường hợp phải đóng cửa.

Mặc dù vậy, Bộ KH&ĐT vẫn cho rằng đối với giai đoạn xem xét chủ trương đầu tư, tính toán hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án của Vietravel Airlines có thể chấp nhận được.

Châu Như Quỳnh