Trong văn bản gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các bộ ban ngành chức năng, Hiệp hội Nhựa TP HCM cho hay hôm 26/6 vừa qua, Tổng cục Hải quan ban hành văn bản yêu cầu về siết chặt nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về Việt Nam. Các quy định tại văn bản này theo Hiệp hội là đang làm khó các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nhựa về làm nguyên liệu sản xuất và sản phẩm nhựa đã qua sử dụng.
Theo Hiệp hội việc quy định chỉ duy nhất Cục kiểm định hải quan/chi cục kiểm định hải quan được phép giám định thể hiện tại Công văn kể trên đã vi phạm nghiêm trọng Điều 18a Nghị định 74 ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về Điều kiện chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp. Bên cạnh đó, công văn của Tổng cục Hải quan cũng vi phạm nghiêm trọng khoản 2, điều 11 Thông tư 41 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2015.
“Sự việc này không chỉ gây bức xúc, bóp chết các doanh nghiệp nhập khẩu mà còn làm chính các Cục hải quan, Chi cục hải quan lúng túng trong việc thực hiện”, văn bản của Hiệp hội Nhựa TP HCM nhấn mạnh.
Cơ quan này cho rằng chính những vướng mắc kể trên dẫn đến sự chậm trễ ra quyết định đối với các lô hàng nhựa nhập khẩu, kết quả là hàng loạt tàu, container hàng hóa phải lưu lại cảng gây nên sự ách tắc nghiêm trọng và phát sinh một khoản lới chi phí lưu công, lưu bãi và tiền phạt… “Việc này không chỉ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho các nhà nhập khẩu mà còn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng, hãng tàu của nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, Hiệp hội nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Nhựa TP HCM, để “sửa sai” cho quyết định của mình, ngày 17/7, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn 4202 thay thế cho công văn gây tranh cãi ở trên nhưng về cơ bản các nội dung vẫn thể hiện sự bất cập. Cụ thể, đối với việc “dừng làm thủ tục thông quan/không chịu ra kết quả kiểm định” đối với mặt hàng bao bì PP& màng PE đã qua sử dụng theo Hiệp hội là áp đặt theo cảm tính, không tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Hiệp hội này cho rằng việc lấy mẫu kiểm định quá nhiều đối với 30kg/lô hàng là bất cập. Bởi với hàng trăm doanh nghiệp đang nhập hàng ngàn lô hàng mỗi tháng sẽ lấy đi hàng trăm tấn hàng mẫu, điều này gây lãng phí, thiệt hại rất nhiều cho doanh nghiệp. Trong khi đó, hàng chục, hàng trăm tấn hàng mẫu này sau một thời gian cơ quan hải quan sẽ bán, thanh lý để thu tiền hay dùng nhân sách để thuê kho chứa lại chưa được làm rõ…
Một điểm khác khiến các doanh nghiệp ngành nhựa bức xúc đó là quy định về tiêu chuẩn chất lượng đủ điều kiện nhập khẩu. Cơ quan này cho rằng cùng là phế liệu nhưng giấy và sắt thép lại có tiêu chuẩn rất lỏng lẻo, sơ sài so với mặt hàng nhựa.
“Việc phân biệt, áp dụng tiêu chuẩn kép trong quản lý đối với phế liệu nhựa với giấy và sắt thép phải chăng là do lỗi chủ quan hay vì một lý do nào đó khác? Hay cơ quan hải quan chỉ cho ngành giấy và sắt thép được sống còn ngành nhựa phải bóp chết để bảo vệ môi trường”, Hiệp hội Nhựa TP HCM đặt câu hỏi trong văn bản gửi tới Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
H.Anh