Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký phê duyệt mạng lưới máy bán hàng tự động tại các điểm công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020.
Hà Nội sắp có 1.000 máy bán hàng tự động (ảnh minh hoạ).
Mục đích của đề án là nhằm khuyến khích người dân sử dụng máy bán hàng tự động, qua đó từng bước hiện đại hóa hình thức bán lẻ, dần thay thế cho các gánh hàng rong, bán dạo trên hè phố, lòng đường đô thị. Đồng thời, tiến tới mục tiêu người dân được sử dụng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng…
Theo kế hoạch, máy bán hàng tự động sẽ được lắp đặt tại các địa điểm công cộng như công viên, vườn hoa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trường học, bệnh viên, rạp chiếu phim, nhà ga, nhà chờ hành khách, bến xe, trạm xe buýt, sân bay, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí công cộng… nơi có mật độ dân cư đông đúc và tập trung đông người.
Trước mắt, việc lắp đặt máy bán hàng tự động sẽ được Hà Nội đặt tại các quận nội thành và sẽ phát triển ra các huyện ngoại thành của thủ đô. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ lắp đặt và đưa vào vận hành khoảng 1.000 máy bán hàng tự động. Trong đó, một số điểm như công viên, vườn hoa… sẽ tổ chức đấu thầu đặt máy bán hàng, với các dòng máy đạt chuẩn, đảm bảo về thẩm mỹ cũng như đáp ứng yêu cầu về khí hậu của Việt Nam. Trong đó, diện tích để đặt máy bán hàng tự động phải đủ từ 2-3 m2.
Các vị trí lắp máy bán hàng tự động phải đảm bảo khoảng cách, cách nhau bán kính từ 500 đến 1000 m. Tại cùng một vị trí có thể bố trí tối đa 4 máy đặt liền nhau theo nhu cầu thực tế.
Đặc biệt, máy bán hàng tự động phải hỗ trợ tối đa người tiêu dùng gồm người già, trẻ em, ngoài khuyết tật với bảng hướng dẫn sử dụng, thông tin đường dây nóng, cỡ chữ to, dễ nhìn, đang ngôn ngữ và sử dụng bàn phím dễ tương tác. Ngoài tiền mặt, máy còn phải có khả năng trả lại tiền thừa và chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng, QR Code…
H. Anh