Fica
  1. Doanh nghiệp

Grab và Uber bị Singapore phạt 9,5 triệu USD vì thương vụ sáp nhập

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã quyết định xử phạt Grab và Uber tổng số tiền 9,5 triệu USD (tương đương 13 triệu đô la Singapore) vì thương vụ sáp nhập diễn ra hồi tháng 3 năm nay.


Grab và Uber bị Singapore phạt 9,5 triệu USD vì thương vụ sáp nhập

Grab và Uber bị Singapore phạt 9,5 triệu USD vì thương vụ sáp nhập

Sáp nhập làm giảm tính cạnh tranh của thị trường gọi xe

Trang Channel News Asia đưa tin, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã quyết định xử phạt Grab và Uber với tổng số tiền 9,5 triệu USD; tương đương 13 triệu đô la Singapore (SGD) vì thương vụ sáp nhập diễn ra hồi tháng 3 năm nay.

Cụ thể, mức phạt với Uber là 6,58 triệu SGD trong khi Grab bị phạt 6,42 triệu SGD. Mức phạt mà CCCS áp dụng dựa trên doanh thu của 2 công ty, bản chất, thời gian và mức độ vi phạm và tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.

Theo CCCS, thương vụ đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của thị trường gọi xe. Do vậy các hình phạt được áp dụng để ngăn chặn việc vụ sáp nhập gây tổn hại đến cạnh tranh, trong bối cảnh giao dịch mua bán, sáp nhập đã hoàn thành và không thể đảo ngược.

Trước đó, ngày 30/3, Cơ quan quản lý cạnh tranh của Singapore tuyên bố có căn cứ phù hợp để cho rằng việc Uber bán lại hoạt động tại Đông Nam Á cho Grab là vi phạm tự do cạnh tranh.

CCCS ngay sau đó đã khởi động một cuộc điều tra nhằm vào thương vụ Grab-Uber và đề xuất các biện pháp tạm thời để yêu cầu Grab và Uber duy trì mức giá dịch vụ như trước khi diễn ra thương vụ này.

Đây là lần đầu tiên CCS đưa ra biện pháp tạm thời đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào hoạt động ở Singapore.

Thương vụ Grab-Uber được công bố đánh dấu sự rút lui lần thứ hai của công ty ứng dụng gọi xe Mỹ khỏi thị trường ở khu vực châu Á. Trước khi rút khỏi Đông Nam Á, Uber đã rút khỏi Trung Quốc vào năm ngoái.

Theo thỏa thuận, Uber sẽ nắm 27,5% cổ phần trong Grab, công ty có mức định giá khoảng 6 tỷ USD. Ngoài ra, Giám đốc điều hành (CEO) của Uber là Dara Khosrowshahi sẽ trở gia nhập Hội đồng Quản trị Grab.

Lộ đối thủ cạnh tranh "đáng gờm" của Grab tại Việt Nam

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam cho biết, công ty này “hài lòng” trước việc CCCS đã không yêu cầu hủy bỏ giao dịch Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber, sau khi đã hoàn tất quá trình điều tra.

Vị này tiếp tục cho rằng thương vụ mua bán này không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật cạnh tranh. Điểm mấu chốt nằm ở sự khác biệt về quan điểm giữa Grab và cơ quan chức năng khi xác định các yếu tố tạo nên một thị trường mang tính cạnh tranh.

Theo ông Jerry Lim, trong số các công ty kinh doanh vận tải, các công ty taxi có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường vẫn đang giữ vị trí là những đối thủ đáng gờm của những công ty công nghệ phát triển ứng dụng gọi xe như Grab.


Việt Nam vẫn chưa hoàn tất quá trình điều tra thương vụ Grab mua lại Uber.

Việt Nam vẫn chưa hoàn tất quá trình điều tra thương vụ Grab mua lại Uber.

“Tại Việt Nam, các công ty taxi như Mai Linh và Vinasun luôn coi các công ty kinh doanh phần mềm gọi xe là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Vinasun và Mai Linh là hai trong số các doanh nghiệp taxi lớn nhất Việt Nam, và hai công ty này cũng đã đầu tư phát triển ứng dụng gọi xe của riêng họ để cạnh tranh với các công ty phát triển ứng dụng gọi xe”, ông Jerry Lim nói.

Đồng thời Giám đốc Grab cho rằng người tiêu dùng luôn có quyền tự do lựa chọn phương thức di chuyển, nếu giá cước dịch vụ di chuyển đặt qua ứng dụng gọi xe tăng lên 10% thì khách hàng sẽ chuyển qua sử dụng dịch vụ di chuyển khác.

Tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã chính thức mở cuộc điều tra thương vụ Grab “thâu tóm” Uber hồi tháng 5.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Hiện việc điều tra vẫn chưa được hoàn tất. Vì thời hạn điều tra theo quy định là 180 ngày kể từ ngày 18/5, nên nhiều khả năng ngày 18/11 cuộc điều tra mới kết thúc. Sau đó, Cục Cạnh tranh sẽ chuyển vụ việc báo cáo lên Hội đồng cạnh tranh để xử lý theo Luật Cạnh tranh.

Nguyễn Khánh