Fica
  1. Doanh nghiệp

Google cấm nhân viên sử dụng Zoom vì lo ngại bảo mật

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Google đã cấm các nhân viên của mình sử dụng Zoom vì lo ngại các vấn đề bảo mật và riêng tư liên quan đến phần mềm gọi điện video và hội nghị trực tuyến này.

Google đã gửi một email đến các nhân viên của mình với nội dung cấm toàn bộ các nhân viên dùng ứng dụng Zoom trên các máy tính được Google cung cấp cho họ để làm việc. Phần mềm Zoom cũng sẽ bị Google vô hiệu hóa trên các thiết bị này để không thể tiếp tục sử dụng.

Tuy nhiên, Google chỉ cấm sử dụng phần mềm Zoom trên máy tính, trong khi đó vẫn cho phép nhân viên sử dụng Zoom phiên bản chạy trên trình duyệt web hoặc ứng dụng trên thiết bị di động.

Google cho biết những lo ngại về vấn đề bảo mật liên quan đến phần mềm Zoom là nguyên do để hãng đưa ra quyết định này.

“Từ lâu chúng tôi đã có chính sách không cho phép nhân viên sử dụng các ứng dụng không được chấp thuận cho công việc nằm ngoài mạng lưới của công ty chúng tôi”, Jose Castaneda, phát ngôn viên của Google, cho biết. “Mới đây, đội ngũ bảo mật của chúng tôi đã thông báo cho các nhân viên sử dụng phần mềm Zoom trên máy tính rằng phần mềm sẽ không còn chạy được trên máy tính của công ty vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo mật cho các phần mềm, ứng dụng được sử dụng bởi nhân viên của chúng tôi. Những nhân viên sử dụng Zoom để liên hệ với gia đình hay bạn bè vẫn có thể sử dụng phần mềm thông qua trình duyệt web hoặc ứng dụng di động”.

Google cấm nhân viên sử dụng Zoom vì lo ngại bảo mật - 1

Google đã cấm nhân viên sử dụng phần mềm Zoom trên máy tính vì lo ngại vấn đề bảo mật

Trước Google, nhiều công ty và tổ chức chính phủ tại nhiều quốc gia cũng đã cấm các nhân viên của mình sử dụng Zoom vì lo ngại các vấn đề bảo mật, có thể kể đến như Tesla và Space X của tỷ phú công nghệ Elon Musk hay chính phủ Đức, Mỹ, Đài Loan...

Trong thời gian gần đây, Zoom đã chứng kiến số lượng người dùng tăng đột biến sau khi nhiều quốc gia bị phong tỏa để phòng chống dịch bệnh, buộc nhiều người phải làm việc tại nhà và các trường phải dạy học trực tuyến. Với các ưu điểm của mình, Zoom đã được người dùng trên toàn thế giới lựa chọn để làm công cụ họp trực tuyến.

Tuy nhiên, kéo theo đó, hàng loạt rắc rối liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư của ứng dụng này cũng xuất hiện. Đầu tiên là việc Zoom đã gửi thông tin của người dùng iOS đến cho Facebook, ngay cả khi họ không sử dụng và không có tài khoản Facebook hay gần đây nhất Zoom bị phát hiện định tuyến các cuộc gọi video của người dùng về máy chủ tại Trung Quốc, dù người dùng đang ở các quốc gia khác, làm dấy lên lo ngại về việc dữ liệu của người dùng bị đánh cắp.

Đáng chú ý, từ trước khi Zoom trở thành một công cụ được nhiều người sử dụng vì dịch bệnh, phần mềm này cũng đã từng gặp rắc rối về vấn đề bảo mật và riêng tư. Hồi tháng 7 năm ngoái, một lỗ hổng bảo mật trên phiên bản Zoom dành cho máy tính Mac cho phép các trang web tự động kích hoạt webcam trên máy tính để ghi lại nội dung mà người dùng không hề hay biết.

Hiện tại CEO của Zoom, Eric Yuan, cho biết sẽ tạm ngưng nâng cấp mọi tính năng của Zoom trong vòng 90 ngày và tập trung nhân sự để đánh giá và khắc phục lại các vấn đề về bảo mật, riêng tư trên ứng dụng này. Zoom cũng đã mời Alex Stamos, cựu giám đốc bảo mật của Facebook, để cùng tham gia xử lý các vấn đề mà mình đang gặp phải.

T.Thủy
Theo The Verge/PA