Quỹ từ thiện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Giữa những ồn ào về sao kê từ thiện, thông tin về quỹ từ thiện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ được quan tâm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên vừa được Tập đoàn Vingroup công bố, trong nửa đầu năm nay, tập đoàn này tiếp tục chi 535,7 tỷ đồng cho Quỹ Thiện Tâm với "mục đích từ thiện". Chi phí từ thiện phát sinh trong kỳ là 68,5 tỷ đồng.
Cùng kỳ năm 2020, Vingroup từng chi tới 2.117,8 tỷ đồng cho mục đích từ thiện thông qua Quỹ Thiện Tâm. Chi phí từ thiện phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2020 là 738 tỷ đồng.
Quỹ từ thiện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ được quan tâm.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2020, Quỹ Thiện Tâm của ông Vượng đã xây dựng 2.700 căn nhà tình thương, nhà vượt lũ; 35 trường học và nhà ở bán trú cho học sinh tại các xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn... và nhiều hoạt động khác.
Riêng năm 2020, ông Phạm Nhật Vượng đã đóng góp 77 triệu USD thông qua Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup để tài trợ cho các chương trình thiện nguyện trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục đến y tế, trong đó 55 triệu USD được sử dụng vào hoạt động cứu trợ, phòng chống Covid-19 và được Forbes vinh danh trong danh sách "Anh hùng thiện nguyện châu Á".
"Vua tôm" nhận hàng chục triệu USD từ cơ quan Mỹ
Trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC) cho biết trong tháng 7 vừa qua, công ty con Mseafood tại Mỹ đã được hoàn lại số tiền thuế chống bán phá giá 14,6 triệu USD (336 tỷ đồng) và tiền lãi được hưởng trong quá trình tạm nộp thuế hơn 220.000 USD (5 tỷ đồng).
Kết quả này có hậu với Minh Phú sau thời gian dài công ty theo đuổi vụ kiện về việc bị phía Mỹ áp thuế chống bán phá giá
Tổng giám đốc Minh Phú Lê Văn Quang (Ảnh: Việt Đức).
Trước đó, vào đầu năm 2020, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) thông báo bắt đầu điều tra và áp dụng biện pháp tạm thời với công ty con Mseafood của Minh Phú. Đến tháng 10/2020, Minh Phú bị CBP kết luận không cung cấp được đầy đủ bằng chứng về việc quản lý, sử dụng nguyên liệu đầu vào và Mseafood bị kết luận đã vi phạm lệnh thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên, đến tháng 2 năm nay, CBP đã hủy bỏ kết luận Minh Phú vi phạm lệnh thuế chống bán phá giá đã ban hành trước đó.
Người giàu nhất Việt Nam "rơi" gần 6.500 tỷ đồng
Phiên giao dịch ngày 8/9, cổ phiếu VIC giảm tới 2,2% và bị bán mạnh. Mức giảm này khiến giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng sụt gần 4.100 tỷ đồng. Tính cả hai phiên điều chỉnh ngày 7 và 8/9, tài sản của người giàu nhất Việt Nam đã mất 6.468 tỷ đồng.
Sau khi được chia thêm cổ tức bằng cổ phiếu vào ngày 17/8, hiện tại, số lượng cổ phiếu VIC mà ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - nắm giữ đạt gần 2,16 tỷ đơn vị.
Dữ liệu thống kê cuối phiên cũng cho thấy, VHM và VIC của ông Phạm Nhật Vượng là tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong ngày 8/9 với giá trị bán ròng lần lượt là 242 tỷ đồng và 145 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên toàn sàn HSX là gần 446 tỷ đồng.
Bầu Đức bảo lãnh công nợ của Hoàng Anh Gia Lai
Mới đây, Công ty cổ phần HAGL vừa có văn bản giải trình bổ sung một vài vấn đề liên quan tới báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021. Theo đó, tại báo cáo đã được soát xét của HAGL, lãi sau thuế giảm gần 10 tỷ đồng so với báo cáo tự lập về còn hơn 8 tỷ đồng, chủ yếu do giá vốn trong kỳ được điều chỉnh tăng, liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của HAGL hơn 18 tỷ đồng so với mức lỗ hơn 1.155 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc thoái vốn Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã dẫn tới lỗ lũy kế của HAGL tăng thêm 1.013 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tại ngày 30/6 lên gần 7.372 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc cổ phiếu HAG bị duy trì diện kiểm soát còn do HAGL đã điều chỉnh một số dữ liệu tương ứng trên BCTC hợp nhất giữa niên độ để phản ánh các điều chỉnh nhằm sửa chữa các sai sót đã thực hiện trong kỳ trước.
Vào thời điểm lập vào công bố BCTC bán niên soát xét năm 2020, số liệu vẫn chưa được điều chỉnh. Vì vậy, trong BCTC giữa niên độ đã soát xét năm 2021, lãnh đạo tập đoàn này đã thực hiện điều chỉnh lại dữ liệu tương ứng trong liên quan đến dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi lớn trong quá khứ.
Cụ thể, tổng các khoản phải thu tồn đọng lớn tại ngày 30/6/2020 là 10.800 tỷ đồng. Trong số các tài sản được dùng để đảm bảo cho các khoản công nợ trên thì bảo lãnh của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT - xấp xỉ 1.700 tỷ đồng.
Thế Hưng