Nhiều nextgen kỳ vọng được kế nghiệp gia đình |
Giàu tham vọng và khát khao được lãnh đạo, thế hệ kế nghiệp các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có niềm tin để dẫn dắt doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh tương lai nhiều biến động, nhưng chỉ khi có sự tin tưởng và trao quyền từ thế hệ đương nhiệm.
Đây là một trong những kết quả mới nhất từ khảo sát “Thế hệ kế nghiệp toàn cầu – tâm điểm Việt Nam” vừa được PwC ra mắt lần đầu ngày 12/3.
Báo cáo của PwC cho thấy, gần một nửa thế hệ kế nghiệp (nextgen) Việt Nam đang đóng góp tích cực vào các doanh nghiệp gia đình, tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với mức độ tham gia ghi nhận được trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (73%) và trên thế giới (70%).
Tuy nhiên xét ở góc độ tích cực thì đây là con số đáng khích lệ - khi đại đa số nextgen được khảo sát tại Việt Nam ở độ tuổi trung bình từ 21-34, cùng với đó là tới 27% có kế hoạch tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp gia đình trong vòng 5 năm tới, con số này cao gấp đôi tỉ lệ chung 13% của Châu Á Thái Bình Dương và trên toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia ngày một sâu hơn vào hoạt động doanh nghiệp, nextgen Việt Nam mang nhiều tham vọng được nắm giữ vị trí dẫn đầu để mang đến những thay đổi trong doanh nghiệp trong 5 năm tới.
Hiện 16% nextgen tham gia khảo sát đang nắm giữ vị trí giám đốc điều hành doanh nghiệp, con số này dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2025 ở mức 38%.
Những tham vọng kể trên cũng tương quan với việc có tới 60% nextgen Việt Nam tự tin rằng họ có năng lực để đóng góp giá trị trong việc chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa phương pháp quản lý cho doanh nghiệp.
Điều này được coi là ưu tiên kinh doanh hàng đầu đối với doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại bên cạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để doanh nghiệp có thể thích ứng với môi trường kinh doanh trong tương lai.
Có thể thấy rằng, là thế hệ của thời đại công nghệ, lãnh đạo tương lai của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có nhận thức rõ rệt về vai trò của công nghệ đối với doanh nghiệp cũng như những lợi thế về công nghệ số của họ.
“Chuyển giao thế hệ luôn là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp gia đình. Việc lắng nghe và ghi nhận về những yếu tố gây trở ngại hay khuyến khích thế hệ lãnh đạo kế tiếp là rất quan trọng cho kế hoạch chuyển giao trong tương lai” - ông Hoàng Hùng, Lãnh đạo Khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp gia đình của PwC Việt Nam nêu nhận xét.
Theo ông Hùng, thế hệ kế nghiệp tại Việt Nam muốn trau dồi bản thân để có thể dẫn dắt doanh nghiệp trước bối cảnh tương lai sẽ có nhiều phức tạp. Họ có chung mối quan tâm lớn tới việc phát triển kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, và trông cậy được thế hệ lãnh đạo đương nhiệm tin tưởng và trao quyền để có thể phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.
Bên cạnh những ghi nhận tích cực về nextgen Việt Nam: họ có tham vọng và muốn cống hiến, thì trên thực tế chưa có nhiều lối đi để thế hệ này phát triển khi chỉ có một phần ba trong số họ được trao cơ hôi để lãnh đạo (so với chỉ số 52% trong khu vực), và một tỉ lệ tương tự các nextgen được lắng nghe với vai trò tham vấn.
Thế hệ kế nghiệp Việt Nam nhìn nhận hai rào cản lớn nhất đối với họ trong việc tạo ra tác động mong muốn cho doanh nghiệp là cấp độ kinh nghiệm của bản thân (41%) và phương thức quản trị công ty hiện tại (33%).
Có thể thấy tác động của những rào cản này đặc biệt rõ rệt hơn đối với Nextgen Việt Nam so với trong khu vực và trên thế giới. Điều này cũng phù hợp với tỉ lệ được trao cơ hội để lãnh đạo còn thấp được đề cập ở trên.
Ông Peter Englisch, Lãnh đạo Doanh nghiệp gia đình toàn cầu của PwC đánh giá: “Thế hệ kế nghiệp rất đa dạng và mang trong mình những nhu cầu cũng như nguyện vọng khác nhau. Để tiếp cận, họ cần có phương pháp phù hợp xây dựng trên nền tảng của chính những nhu cầu và mong muốn đó”.
Mai Chi