Giá xăng về mốc 11.000 đồng/lít sau đợt điều chỉnh mới đây.
Giá xăng vẫn còn dư địa giảm
Tại kỳ điều chỉnh mới nhất hôm 13/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước theo diễn biến giá thế giới.
Theo đó, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 613 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 621 đồng/lít; Dầu diesel giảm 436 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 502 đồng/lít; Dầu mazut giảm 126 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 về mốc 11.343 đồng/lít; Xăng RON 95 là 11.939 đồng/lít; Dầu diesel 10.823 đồng/lít; Dầu hỏa 8.639 đồng/lít; Dầu mazut 9.327 đồng/kg.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh hôm 29/3, giá xăng còn được điều chỉnh giảm ở mức 4.100 - 4.252 đồng/lít.
Với việc điều chỉnh này, giá xăng được giảm lần thứ 7 liên tiếp và lập kỷ lục về giá rẻ trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, kể từ mức giá khoảng 15.000 đồng/lít xăng RON 92 vào năm 2009.
“Soi” bảng giá xăng dầu thế giới theo dữ liệu của Bộ Công Thương có thể thấy, xăng RON 92 (để pha chế xăng E5 RON 92) liên tục ở mức 20 USD/thùng. Thậm chí nhiều thời điểm rớt xuống 18 USD/thùng.
Giá trong nước cũng đã được điều chỉnh giảm, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm của xăng dầu trong nước là chưa tương xứng với mức giảm của thế giới.
Ngoài vấn đề quỹ bình ổn giá, thuế phí ở mức cao là một trong những nguyên nhân xuất hiện độ “vênh". Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao (khoảng 55 - 60% đối với mặt hàng xăng, 35 - 40% đối với mặt hàng dầu).
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11 - 20% đối với mặt hàng dầu. Do vậy, mới đây, Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.
Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, cần xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5 RON 92 cho phù hợp với thực tế để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
“Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 RON 92 đang ở mức 3.800 đồng/lít, việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng RON92 như hiện nay là chưa phù hợp”, Bộ Công Thương cho biết.
Theo Bộ này, xăng E5 RON 92 có 95% là xăng RON 92 và 5% là ethanol. Không nên một cách cơ học lấy 95%, chỉ khác nhau 5% mà phải đánh giá dựa vào mức độ khí phát thải khi sử dụng xăng E5.
Bộ dẫn kết quả các nghiên cứu đã được thực hiện cho biết, việc sử dụng xăng E5 RON 92 giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường như khí CO (giảm 27,76%), HC (giảm 16,23%)... so với các loại xăng khoáng thông thường.
“Vì vậy, cần cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng E5RON92 dựa theo mức độ phát thải (75 - 80%) mức thuế đối với xăng khoáng", Bộ Công Thương kiến nghị.
Tranh cãi chuyện có nên giảm hay không
Nếu đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu của Bộ Công thương được chấp thuận, giá xăng dầu có thể tiếp tục giảm sâu hơn.
Cần phải nói thêm, thuế bảo vệ môi trường từng gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia. Năm 2018, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu của Bộ Tài chính thực tế nhằm tìm cách tăng thu cho ngân sách. Sắc thuế này tác động trực tiếp tới người nghèo do nhu cầu đi lại cao hơn và không thể tìm được sản phẩm thay thế.
Mới đây, khi Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay xăng sinh học chưa được khuyến khích sử dụng một phần do giá cả.
Một chuyên gia cho biết, khi giá dầu thế giới cao hơn 100 USD/thùng, giá xăng trong nước hơn 25.000 đồng/lít, mức thuế bảo vệ môi trường 3.000 - 4.000 đồng/lít sẽ không thấy cao.
Tuy nhiên, khi giá dầu thế giới xuống 20 USD/thùng, xăng trong nước chỉ 11.000 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường giữ nguyên mức trên dưới 4.000 đồng/lít là chiếm tỷ trọng khá cao.
Theo đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng lúc này là sẽ một trong những cách nhằm góp phần kiểm soát lạm phát cả năm 2020.
Tuy nhiên cũng có nhiều lập luận không đồng tình với cách này. Những người theo quan điểm này cho rằng giá xăng dầu Việt Nam đang rẻ hơn nhiều nước xung quanh như Lào, Hàn Quốc…
Theo đó, không thể áp sự thay đổi trong ngắn hạn cho một chính sách dài hạn được. Còn đối với xăng E5 RON 92, nếu Bộ Công Thương muốn tạo ra mức chênh lệch giá, khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn thì cần có một chính sách khác không phải bằng cách giảm thuế bảo vệ môi trường.
Nguyễn Mạnh