Fica
  1. Doanh nghiệp

Giá dầu về âm: “Ông lớn" xót, người dùng có được mua mức "như cho"?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Giá dầu thế giới giảm sâu tác động lớn đến ngành xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này cũng phải đối mặt với sự sụt giảm trong nhu cầu đi lại do đại dịch.

Giá dầu thế giới về âm, giá xăng dầu trong nước liệu có “rẻ như cho"?

Thế giới nguy cơ hết chỗ chứa cuối tháng 5, trong khi giao dịch dầu thô không có giá sàn đẩy giá chìm sâu xuống vùng âm. Thậm chí có dự báo giá dầu có thể xuống âm 100 USD.

Cách đây ít hôm (ngày 21/4), lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) rơi xuống âm 37,63 USD/thùng.

Việc giá dầu thế giới giảm sâu như vậy sẽ tác động đến ngành xăng dầu trong nước như thế nào? Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ dầu khí và than, Bộ Công Thương cho biết, giá dầu thô khai thác trong nước của Việt Nam được tham chiếu đến giá dầu thô Brent, không phải WTI.

Giá dầu về âm: “Ông lớn xót, người dùng có được mua mức như cho? - 1

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) rơi xuống âm 37,63 USD/thùng (ảnh minh họa).

Ông Sơn cũng cho biết, Việt Nam khai thác và bán dầu thô, không nhập dầu thô để phục vụ bán lẻ, chỉ có một số nhà máy trong nước nhập dầu thô về chế biến.

“Giá WTI không ảnh hưởng trực tiếp đến giá sản phẩm tại Singapore, vốn được dùng làm thông số để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành giá trong nước. Biến động tăng giảm của giá dầu thô (WTI/Brent) và giá sản phẩm thường không tỷ lệ thuận mà phụ thuộc vào cung cầu và thị trường”, lãnh đạo Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) khẳng định.

Như vậy, với mức giá bán lẻ tại Singapore theo dữ liệu Bộ Công Thương, nhiều khả năng giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh tới (ngày 28/4), sẽ tiếp tục có xu hướng giảm.

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu dự báo kỳ điều chỉnh tới, giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm. Thậm chí, có thể tiệm cận mức 10.000 đồng/lít xăng.

Tuy nhiên, kỳ vọng về việc “giá xăng dầu rẻ như cho" của nhiều người khi nghe tin “giá dầu về âm, người bán phải trả tiền người mua" ở Việt Nam là khó xảy ra.

Giá dầu về âm: “Ông lớn xót, người dùng có được mua mức như cho? - 2

Bảng giá xăng dầu bán lẻ tại Singapore

Trong khi đó, doanh nghiệp xăng dầu sẽ là những nơi nhận thấy tác động khá lớn từ việc giá dầu thế giới giảm sốc.

Về ảnh hưởng gián tiếp, đại diện Petrolimex cho biết, tăng giảm giá WTI có ảnh hưởng gián tiếp tăng giảm của giá sản phẩm bởi chênh lệch giữa giá dầu thô với sản phẩm trong giới hạn nhất định sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các nhà máy lọc dầu; các nhà máy lọc dầu điều tiết công suất sẽ tác động đến giá sản phẩm.

Còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đại diện Petrolimex cho biết, theo quy định của Nhà nước các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam luôn phải có một lượng hàng tối thiểu đảm bảo tồn kho, phục vụ nhu cầu thị trường.

“Trong xu hướng giá giảm liên tục và sâu như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng do hàng tồn kho đã mua ở mức giá cao trước đó. Mức giá thấp hay giảm hôm nay có tác động trực tiếp đến các lô hàng có ngày tính giá rơi vào thời điểm hiện nay”, đại diện Petrolimex cho hay.

Trong khi đó, bản thân Petrolimex cũng đang phải chịu tác động kép khi giá dầu giảm và nhu cầu xăng dầu bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hàng chục nghìn tỷ đồng bị “cuốn phăng", ngân sách Nhà nước hụt thu

Theo Bộ Công Thương, nếu giá dầu trung bình cả năm 2020 đạt 30 USD/thùng thì doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giảm 19% so với kế hoạch năm, đạt 520 nghìn tỷ đồng (so với kế hoạch là 640,9 nghìn tỷ đồng); nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) toàn Tập đoàn giảm 38,4% so kế hoạch năm đạt 50,6 nghìn tỷ đồng (so với kế hoạch là 82,1 nghìn tỷ đồng).

“Trung bình nếu giá dầu giảm 1 USD thì doanh thu toàn tập đoàn giảm 4,6 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN giảm 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện PVN cũng cho biết, việc giảm giá dầu trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của PVN và các đơn vị thành viên trong cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính của PVN ở mức độ khác nhau.

“Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng. Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid -19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm”, PVN cho biết.

Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp, có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu, nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao. Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Theo số liệu tài chính hợp nhất của Tập đoàn PVN, trong quý I/2020, tổng doanh thu ước đạt 88.300 tỷ đồng; giảm 13.194 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.440 tỷ đồng; giảm 4.580 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới đây cho rằng, tình trạng giá dầu xuống thấp như hiện nay khiến thiệt hại về kinh tế là rất lớn, những lợi điểm từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp.

Đối phó cách nào?

Để đối phó với giá dầu giảm sâu, Bộ Công Thương cho biết đã có các văn bản chỉ đạo ngành dầu khí triển khai nhiều giải pháp.

Trong đó có việc rà soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo PVN tổ chức rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chi phí dự kiến của năm 2020. Cắt giảm giảm tối đa các chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, thường xuyên tổ chức tự kiểm tra giám sát để chấn chỉnh kịp thời các chi tiêu bất hợp lý. Thực hiện nghiêm túc việc mua sắm vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu và sử dụng các dịch vụ đúng quy định và đảm bảo chất lượng. 

Trong khi đó từ phía doanh nghiệp, PVN cho rằng việc mua dầu thô để tích trữ là hướng đi đúng đắn và hợp lý mang lại nhiều cơ hội cho đất nước.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết, có một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này (khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ); Hạ tầng lưu chứa còn hạn chế, không có kho dự trữ quốc gia, hiện nay chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn) phục vụ cho sản xuất của Nhà máy là chính.

"Việc thuê tàu trữ dầu không khả thi vào thời điểm này do tiềm lực tài chính còn khó khăn đặc biệt trong giai đoạn này", PVN cho biết.

Ngoài ra, để "cứu" sản xuất trong nước, PVN đã đề nghị xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, xem xét cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lý để duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm để cứu nền kinh tế chung của đất nước, duy trì công ăn việc làm của người lao động.

Đề xuất này của PVN hiện cũng gây nhiều tranh cãi. 

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan