Fica
  1. Doanh nghiệp

Gần 40% doanh nghiệp Mỹ cân nhắc rời khỏi Hồng Kông

Quỳnh Ngọc
Quỳnh Ngọc

Theo một cuộc thăm dò mới đây, có gần 4/10 doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Hồng Kông đang cân nhắc chuyển đi do luật an ninh quốc gia mới.

Đây là một chỉ báo cho thấy những lo ngại của các doanh nghiệp về luật mới này mặc dù đa số các doanh nghiệp đều có kế hoạch ở lại.

Gần 40% doanh nghiệp Mỹ cân nhắc rời khỏi Hồng Kông sau luật an ninh mới. (Ảnh: SCMP)

Cụ thể, theo khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông (AmCham), có khoảng 39% trong tổng số 154 doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã có kế hoạch chuyển vốn, tài sản hoặc các hoạt động ra khỏi Hồng Kông sau khi chi tiết về luật mới được tiết lộ. Con số này đã tăng so với mức 35,5% được thăm dò hồi tháng 7. Tuy vậy, 61% còn lại cho biết không có kế hoạch rời khỏi thành phố này.

Ở cấp độ cá nhân, có 53% số người được hỏi cho biết đang cân nhắc rời khỏi Hồng Kông, so với chỉ hơn 46% nói rằng họ không có ý định rời thành phố này.

Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 7-11/8. Các doanh nghiệp được hỏi đại diện cho 13% thành viên của AmCham và hơn một nửa trong số đó có trụ sở tại Mỹ.

AmCham thừa nhận xu hướng các công ty cân nhắc rời khỏi Hồng Kông đã trở nên “rõ rệt hơn” do luật an ninh quốc gia gây tranh cãi.

“Nhìn chung, tỷ lệ các cá nhân cân nhắc rời khỏi Hồng Kông nhiều hơn so với các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp cân nhắc rời đi, có khoảng 5/6 số doanh nghiệp đang tính đến việc di chuyển trong trung và dài hạn”, AmCham cho biết.

Khoảng 35% doanh nghiệp được khảo sát cũng cho biết, họ đang cân nhắc việc rời khỏi thành phố này khi Mỹ áp một loạt lệnh trừng phạt đối với các quan chức Hồng Kông sau khi Mỹ ban hành Đạo luật Tự trị Hồng Kông (HKAA) và rút bỏ những đặc quyền thương mại đối với thành phố này. 

Những người được hỏi cũng giấu tên và bày tỏ quan điểm mâu thuẫn trong cuộc khảo sát về tác động của luật an ninh và căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Một người cho biết: “Chúng tôi không tin là chính quyền ở đây sẽ tôn trọng tính toàn vẹn của hệ thống tài chính và ngân hàng, nên chúng tôi sẽ rút vốn ra khỏi Hồng Kông”.

Nhưng một số khác lại nói rằng: “Không nơi nào ở châu Á có thể thay thế Hồng Kông về tính thanh khoản bằng đồng USD, thị trường vốn và nhân tài”...

Khi được hỏi liệu các doanh nghiệp có kế hoạch dự phòng nào không, khoảng 46% cho rằng dịch Covid-19 là lý do chính để họ xây dựng kế hoạch B, tiếp đến là luật an ninh quốc gia (37%), căng thẳng thương mại Mỹ-Trung (31%) và các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra năm ngoái (28%). Chỉ 23% cho biết họ không lập bất kỳ kế hoạch dự phòng nào.

Tuy nhiên, khoảng 44% nói rằng, họ hiện lo ngại hơn về luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh thực thi đối với thành phố này từ ngày 30/6. Những người được hỏi cho biết thêm rằng luật mới này thiếu sự rõ ràng về phạm vi và hiệu lực thi hành.

Khoảng 75% doanh nghiệp cho biết, họ cảm thấy bi quan về triển vọng kinh doanh của Hồng Kông nói chung.

Về tác động của HKAA và lệnh hành pháp của Hoa Kỳ, gần 56% doanh nghiệp cho biết đang “chờ xem”, trong khi 45% doanh nghiệp cho biết tinh thần nhân viên của họ bị ảnh hưởng. Trong khi 34% doanh nghiệp cho biết họ không bị ảnh hưởng gì.

Hơn 55% số người được hỏi lo lắng nhất về khả năng cạnh tranh lâu dài của các công ty Mỹ ở Hồng Kông và khu vực, trong khi 45% lo lắng về hậu quả không mong muốn của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các lĩnh vực cụ thể.

Nhật Linh

Theo SCMP