Fica
  1. Doanh nghiệp

Dưa hấu Việt dán tem Trung Quốc là không sai

Việc dán tem có chữ Trung Quốc lên dưa hấu Việt Nam để xuất khẩu qua đường chính ngạch, tránh rủi ro.

Khoảng một tuần qua, nông dân tại xã Tam Phước, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) bước vào mùa thu hoạch dưa hấu. Thương lái đến tận nơi để thu mua sản phẩm của bà con. Tuy nhiên, dưa xuất bán phải dán tem có chữ Trung Quốc (TQ).

Nhiều người thắc mắc: Dưa hấu cũng như một số nông sản Việt Nam (VN) dán tem TQ là đúng hay sai?... Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã trao đổi với các cơ quan chức năng.

Truy xuất nguồn gốc để giảm rủi ro

Ông Đoàn Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận việc nông dân dán tem có chữ TQ nhằm đáp ứng yêu cầu của TQ về truy nguồn gốc, xuất xứ. Nếu không có truy xuất nguồn gốc thì dưa phải xuất khẩu theo đường tiểu ngạch có rất nhiều rủi ro, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho bà con nông dân.

Phân tích thêm về tính đúng-sai khi dán tem TQ lên trái dưa, ông Sơn khẳng định phía doanh nghiệp hoàn toàn có quyền sản xuất loại tem này và việc dán tem không làm mất thương hiệu dưa VN do thông tin trên tem vẫn cho kết quả xuất xứ từ VN.

“Khi kiểm tra, chúng tôi thấy thông tin trên tem có xuất xứ VN là đúng, đảm bảo. Tuy nhiên, cái sai là thông tin trên tem không đầy đủ như công năng, tác dụng, sản xuất theo công nghệ gì… Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử phạt về những lỗi này được nhưng nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bà con nông dân (nông dân không bán được dưa hấu - PV), công sức của bà con coi như bỏ. Hơn nữa, việc dán tem như vậy cũng chưa gây ra tác hại gì” - ông Sơn khẳng định.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Muộn cho biết thêm, sau khi cơ quan chức năng quét mã QR Code tem dán trên dưa hấu đã cho ra các thông tin như biển số xe, số lượng, nơi sản xuất là VN, tên đơn vị nhập khẩu… chứ không hề có thông tin về đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Về góc độ của nhà nhập khẩu TQ thì không sai. Đây là quy định của TQ buộc mình phải đáp ứng yêu cầu. Theo đó khi doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với người dân thu mua dưa hấu xuất khẩu sang TQ, tại nơi thu mua, người dân chưa làm được tem truy xuất nguồn gốc tại chỗ thì các doanh nghiệp xuất khẩu phải sử dụng tem của một cơ quan có chức năng ở TQ để từ đó xuất khẩu được dưa hấu cho nông dân. Đây là điều tốt cho nông dân trong giai đoạn trước mắt nhưng rõ ràng thông tin càng nhiều, càng cụ thể thì độ tin cậy của sản phẩm càng cao” - ông Lê Muộn nói.

Dưa hấu Việt dán tem Trung Quốc là không sai - 1

Dưa hấu dán tem có chữ Trung Quốc để xuất khẩu qua đường chính ngạch. 

Phải tuân thủ quy định của nước nhập khẩu

Ông Lê Thanh Hòa, Cục phó Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết theo quy định mới từ phía TQ thì hiện nay các loại nông sản muốn xuất qua TQ phải dán tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm, trong đó có dưa hấu.

Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn việc ghi nhãn xuất xứ trên hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa của VN yêu cầu ghi nhãn hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa được thực hiện theo hợp đồng. Tuy nhiên, những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hóa, không vi phạm pháp luật VN và pháp luật của nước nhập khẩu. 

“Tất cả vùng trồng dưa hấu phải đăng ký cấp mã số vùng trồng, đóng gói để truy xuất nguồn gốc. Để xác định được mã số đó thì phải có tem. Cụ thể, các nhà nhập khẩu bên TQ phải kết nối với một công ty giám định của TQ tại VN cấp tem đó. Bao bì, nhãn mác khi xuất vào nước nào thì phải dùng ngôn ngữ của nước xuất đến. Tuy nhiên, trên những chiếc tem đó đều phải ghi thông tin đầy đủ về xuất xứ nơi trồng, nơi đóng gói của sản phẩm… ở xã nào, huyện nào...” - ông Hòa cho biết.

Cũng theo ông Hòa, ngoài quy định phải dán tem truy xuất nguồn gốc, TQ cũng yêu cầu trong quá trình vận chuyển dưa hấu và các loại trái cây khác phải thay đổi vật liệu đệm, lót bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm. VN thường sử dụng rơm làm đệm lót, vật liệu này cũng không được phép sử dụng.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay: Từ tháng 5-2018, TQ đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng. Việc truy xuất nguồn gốc này được thực hiện thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của TQ tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan TQ.

“Các quy định tương tự của TQ cũng đã và đang được nhiều nước, trong đó có VN áp dụng. Tuy nhiên, nhiều thương nhân xuất khẩu nông sản, trái cây VN và các doanh nghiệp nhập khẩu TQ chưa có sự quan tâm đầy đủ để thực hiện” - đại diện Bộ Công Thương nói.

Không được tiêu thụ nội địa

Luật sư Lê Hà Gia Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết về nhãn hàng hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017. Đối tượng áp dụng của nghị định này là “Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại VN; tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân có liên quan”. Quy định này không điều chỉnh đối với “hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa”.

“Do đó, nếu lượng dưa hấu nói trên dán nhãn có tiếng TQ để xuất khẩu thì không vi phạm pháp luật VN nhưng không được tiêu thụ nội địa. Theo tôi, về lâu dài, Nhà nước nên hướng dẫn, hỗ trợ nông dân vùng sản xuất chuyên canh, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để dán lên sản phẩm khi xuất khẩu. Lúc đó nhà nhập khẩu sẽ dán thêm nhãn phụ theo quy định của nước nhập khẩu nhằm khẳng định thương hiệu, chất lượng của nông sản VN” - LS Thanh nói.

Không phải xuất xứ từ Việt Nam mới sai

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho rằng việc thương lái thu mua dưa hấu xuất khẩu sang TQ đưa những cuộn tem truy xuất nguồn gốc để nông dân dán vào rồi mới chất lên xe tải tại Quảng Nam là bình thường. Trong trường hợp nếu quét mã vạch, mã QR mà hiện ra thông tin trái dưa xuất xứ không phải từ VN mới sai, còn thông tin đúng thì tốt cho nông dân, cho nông sản Việt.

“Phía doanh nghiệp xuất khẩu VN muốn bán dưa hấu hay nông sản nào sang TQ cũng phải thực hiện đúng yêu cầu của nước nhập khẩu” - ông Tùng nhấn mạnh.

Theo Pháp luật TPHCM