Tham vọng tự động hóa
Daisy, robot dùng để bóc tách linh kiện iPhone được đưa vào sử dụng từ năm 2018.
Cũng như nhiều công ty thiên về sản xuất, Apple - thương hiệu công nghệ giá trị nhất thế giới và cũng có mức lợi nhuận thuộc hàng top, từng tham vọng sẽ áp dụng mô hình tự động hóa hoàn toàn vào sản xuất sản phẩm để thay thế nguồn nhân lực.
Một báo cáo từ The Information tiết lộ người khổng lồ Cupertino đã chi hàng triệu USD trong vài năm gần đây để tự động hóa các nhà máy của mình. Mục đích của họ đương nhiên là giảm số lượng nhiệm vụ cần lao động con người và thay thế bằng robot.
Những nỗ lực của Apple bắt đầu vào năm 2012, sau khi CEO Tim Cook giới thiệu một dây chuyền sản xuất tự động thử nghiệm cho iPad đầy hứa hẹn. Về cơ bản, nó được vận hành hoàn toàn bằng robot, chỉ cần một vài nhân công để quản lý và bảo trì.
Đó chính là hệ thống sử dụng các cánh tay robot được đặt tên là "Foxbots", có thể thực hiện các thao tác cắt, xử lý, đánh bóng vỏ iPad, cũng như hầu hết việc lắp ráp cần thiết cho các bộ phận bên trong và màn hình.
Cook và các giám đốc điều hành khác đã rất ấn tượng với dự án, được phát triển bởi Foxconn - đối tác sản xuất lớn nhất hiện nay của Apple. Họ bị thuyết phục trong việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia robot và tự động hóa chuyên dụng để cùng nhau phát triển giấc mơ này tại một cơ sở bí mật ở Sunnyvale, California.
Con người làm việc vẫn tốt hơn robot
Robot công nghiệp Foxbot được thử nghiệm tại cơ sở của Foxconn ở Thâm Quyến (Trung Quốc) vào năm 2016.
Nhưng rồi hết lần này đến lần khác đã được chứng minh là không thực tế hoặc kết quả sản xuất không đạt chuẩn như mong đợi.
Các kỹ sư của hãng nhận thấy rằng con người vẫn có một mức độ khéo léo rất khó để thay thế bằng cánh tay robot, đặc biệt là thao tác vặn chặt các ốc vít nhỏ - một quá trình rất tinh vi mà phần cứng cần để thực hiện dường như không thể phát triển được với nguồn kinh phí dù là rất lớn của Apple.
Bạn có lẽ sẽ nghĩ rằng robot chỉ có thể thay thế con người khi làm những công việc mang tính lặp đi lặp lại với sai số thấp. Tuy nhiên thực tế là các công nhân Trung Quốc được đào tạo bài bản đã thao tác tốt hơn robot trong nhiều thử nghiệm liên tiếp, như việc sử dụng keo để gắn bảng hiển thị trong các thiết bị di động của Apple.
Theo thời gian, càng có thêm nhiều vấn đề đòi hỏi phải quay trở lại bàn tay con người để giải quyết vấn đề càng rõ ràng hơn.
Không chỉ vậy, việc ứng dụng robot còn khiến hãng đối mặt rủi ro khi chúng gặp trục trặc. Điển hình như các robot được thiết kế để cài đặt bàn phím trong MacBook 12-inch từng gặp trục trặc nhiều lần, điều này bắt buộc toàn bộ dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động để sửa chữa.
"Robot trông thật tuyệt khi chúng hoạt động. Nhưng một khi sự cố xảy ra, chỉ có trời mới biết", David Bourne, người từng làm việc tại Foxconn, đơn vị sản xuất chính của Apple cho biết.
Apple đã cố gắng tự động hóa thành công một số phần trong quy trình lắp ráp cho các sản phẩm như Apple TV, iPad và Watch, nhưng đến năm 2018, hãng đã gần như từ bỏ việc cố gắng thay thế người bằng robot trên các dây chuyền lắp ráp.
Không chỉ Apple, các hãng như Tesla, Boeing cũng từng thử nghiệm hệ thống tự động hóa và bỏ cuộc với lý do tương tự.
Nguyễn Nguyễn
Theo Techspot