để có được khối tài sản khổng lồ như bây giờ, nhiều đại gia Việt phải trải qua sự khởi đầu hết sức gian nan, vất vả, thậm chí nghèo khó (Ảnh minh họa).
Doanh nhân muốn được "truyền lửa" thay vì bị ghét
Chúng ta vẫn thường nói, dân giàu thì nước mạnh. Đất nước có nhiều người giàu góp phần làm cho đất nước mạnh lên. Người giàu được tôn trọng, tôn vinh, là biểu tượng vươn tới của cả cộng đồng.
Song chia sẻ về "điều mong mỏi" trong ngày Doanh nhân 13/10, Chủ tịch một tập đoàn đa ngành bất động sản, hàng không ngậm ngùi tâm sự: Giới doanh nhân có những tâm tư nhưng họ ngại nói, cả tôi và họ - đều mong có sự "truyền lửa" để muốn được cống hiến.
"Đừng thấy doanh nhân là nghĩ người giàu rồi "không ưa" họ. Nhiều lúc khiến doanh nhân muốn cống hiến cũng nản. Nhiều người thấy doanh nhân đi xe đẹp thôi cũng không ưa. Giá như họ mong doanh nhân làm ra nhiều tiền, có nhiều xe đẹp, đóng góp nhiều hơn cho xã hội…", vị này nói.
Ông nghĩ rằng những người làm giàu chính đáng đều nên được tôn vinh, còn làm sai thì đã có cả hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật. Họ làm sai họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn nếu chính đáng thì nên được xã hội công nhận, đất nước vậy mới hùng cường.
Vị doanh nhân lớn, giàu có cho biết, ông cũng từng trải qua thời vô cùng vất vả, khởi nghiệp từ 12-13 tuổi để tự nuôi thân, không có gì tự nhiên mà có.
Thực tế để có được thành quả với cơ ngơi đồ sộ, rất nhiều doanh nhân đã trải qua những năm tháng khó khăn. Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Vũ Anh - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dự Kim, chủ sở hữu thương hiệu thời trang IVY Moda - chia sẻ: Ngày xưa nhà mình rất nghèo.
"Năm người chui rúc trong gian buồng vách đất 6 m2. Đến năm 1979 mới nhảy dù sang được căn hộ lắp ghép 12 m2. Mình lúc nào cũng đói mơ màng và thèm ăn cả thế giới. Thế nên ra đời mình quyết tâm kiếm tiền để thay đổi cuộc sống", ông Vũ Anh tâm sự.
Ít ai biết rằng, để có được khối tài sản khổng lồ như bây giờ, nhiều đại gia Việt phải trải qua sự khởi đầu hết sức gian nan, vất vả, thậm chí nghèo khó như ông Đoàn Nguyên Đức, ông Đặng Lê Nguyên Vũ...
Trên trang cá nhân của mình, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng: "Thay vì chúc tụng, hãy đối xử với doanh nhân tương đồng với vai trò của họ, những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội, là tuyệt vời!".
Doanh nhân phải "tập khiêu vũ trong thời bão tố"
Không chỉ là chuyện yêu - ghét, doanh nhân năm nay đều có chung tâm tư về khát khao "cuộc sống trở lại bình thường", để được cống hiến sức lực, làm giàu cho bản thân, xã hội.
Tại tọa đàm "Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19" do Reatimes vừa tổ chức, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang trải qua những ngày tháng gian nan nhất. Những biện pháp giãn cách xã hội đã gây ra tổn hại rất lớn đối với họ. Lần đầu tiên có 85.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng qua.
Ông Lộc cho biết dù nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp vẫn đang duy trì sản xuất kinh doanh. Những doanh nghiệp đang sống cũng gian nan, vất vả không kém vì không biết ngày mai sẽ phát triển ra sao nhưng họ vẫn nỗ lực duy trì sản xuất để tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hành động dũng cảm của các doanh nghiệp mà chúng ta cần tri ân.
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết những doanh nghiệp đang sống cũng gian nan, vất vả không kém vì không biết ngày mai sẽ phát triển ra sao nhưng họ vẫn nỗ lực duy trì sản xuất để tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
"Cộng đồng doanh nhân Việt Nam cần hành trình khởi nghiệp, cả những doanh nghiệp đang hoạt động cũng cần phải làm mới hơn trong giai đoạn này. Là hành trình phát huy sức mạnh của toàn dân nhằm mục tiêu phát huy trí tuệ Việt Nam để đưa đất nước trở lên hùng cường. Covid-19 là áp lực đặt ra cho các cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sáng tạo hơn", ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, chúng ta đang trong bối cảnh cả thế giới trở nên căng thẳng và chưa dự báo được sẽ phát triển theo hướng nào và tâm thế doanh nhân phải "tập khiêu vũ trong thời bão tố" vì không còn cách nào khác.
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng, lịch sử thế giới đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và sự tiến bộ của nhân loại.
"Ở Việt Nam, từ sau Đổi mới đến nay đã hình thành đội ngũ doanh nhân có khát vọng lớn và đi tiên phong trong các cuộc cách mạng làm giàu cho Tổ quốc, cho dân tộc. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ làm giàu cho mình, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển đất nước, mà còn tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động; thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế", ông Chiến nói.
Trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp phải muôn vàn khó khăn, ông Chiến cho biết doanh nhân Việt Nam đã chủ động thích ứng, kiên cường trước cơn sóng lớn, tận tâm đóng góp sức lực và vật chất cho cộng đồng và đất nước để vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Tinh thần đó của doanh nhân Việt Nam thật đáng trân trọng và tự hào.
Trong khi đó, nói về những lực cản, nút thắt doanh nghiệp, doanh nhân phát triển trong bối cảnh hiện nay theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, có lẽ vướng mắc lớn nhất là kẹt cứng ở mô hình "Zero Covid" và cách sống chung an toàn với Covid. Nếu không gỡ được tư duy này thì không thể gỡ được cho doanh nghiệp. Kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn, nếu vài quý có con số kinh tế phát triển âm như hiện nay thì suy thoái rõ rệt.
Để gỡ khó cho doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất giải pháp 5T.
Thứ nhất là "trợ thở" bằng cách mở cửa - "Mở cửa hay là chết". Từ đầu tháng 10 chúng ta đã mở cửa nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa chứ không phải nửa đóng nửa mở.
Thứ hai là "tiếp máu". Mất khả năng thanh khoản là khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay, do đó cần hỗ trợ tiếp máu cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài khóa. Nếu chỉ có ngân hàng giảm lãi suất thì không đạt được kết quả tích cực nhất do đó cần có các chính sách, các quỹ bảo lãnh ngân hàng. Cần nhấn mạnh rằng, chính sách tài khóa phải tích hợp với chính sách tiền tệ phải kết hợp để bơm máu cho doanh nghiệp… Hiện nay, các gói chính sách mới thực hiện được 50% do đó còn rất nhiều dự địa để tiếp tục hỗ trợ.
Thứ ba là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cởi trói chính sách cho doanh nghiệp. Hiện nay, luật pháp còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà.
Thứ tư là cần thúc đẩy nâng cao trình độ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ cần tiền, mà cần Nhà nước cần hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho các doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp cũng cần phải học để cải thiện trình độ của mình.
Cuối cùng là tiếp cận thị trường, chúng ta cần tổ chức xúc tiến qua mạng mạnh mẽ. Trước mắt phải tính toán phương án "cơm áo gạo tiền", tuy nhiên 3 tháng cuối năm cũng cần quan tâm xanh hóa, xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa. Đề cao tính xã hội của doanh nghiệp, có trách nhiệm xã hội, hướng đến phát triển bền vững là cực kỳ cần thiết.
"Đã qua thời chúng ta theo đuổi lợi nhuận tuyệt đối mà là thời kỳ tính bằng sự cống hiến cho xã hội. Do đó, các doanh nghiệp hãy nghĩ khác đi, nghĩ nhiều hơn về giá trị xã hội. Đây cũng là cách để chúng ta vượt qua đại dịch", ông Lộc nói.
Nguyễn Khánh