Doanh nghiệp xuất khẩu gạo mong muốn được đăng ký tờ khai hải quan tự do, giới hạn ở mức 2 triệu tấn.
Sau khi Bộ Công Thương cho phép hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ dừng ở mức 400.000 tấn và hạn ngạch đã hết chỉ trong ít giờ đồng hồ đã gây bức xúc cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đặc biệt là những doanh nghiệp chờ thông quan từ ngày 24/3 (thời điểm tạm dừng xuất khẩu gạo).
Ông Trần Văn Sơn, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Long An cho biết, ông vẫn đang rất lo lắng vì hơn 3.500 tấn gạo của doanh nghiệp vẫn chưa thể xuất khẩu được từ ngày 24/3, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi vừa mất uy tín với khách hàng, vừa không có tiền trả ngân hàng để xoay vòng vốn tiếp tục kinh doanh. Mỗi ngày gạo nằm ở cảng là doanh nghiệp lại phải chi vài chục triệu đồng cho các chi phí lưu kho bãi và nhiều loại chi phí khác”, ông Sơn nói.
Ông Sơn kiến nghị, cần hủy bỏ những tờ khai hải quan điện tử được khai từ 0 giờ ngày 12/4 và phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo một cách hợp lý, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TPHCM chia sẻ, hải quan nên tạo điều kiện các doanh nghiệp đã kéo gạo đến cảng trước ngày 24/3 được xuất khẩu gạo trước. Vì lượng gạo ùn ứ tại cảng trước ngày 24/3 là khoảng gần 250.000 tấn.
Việc hàng ngàn tấn gạo nằm tại cảng hơn 3 tuần liền gây thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp.
“Sau khi xuất khẩu được 250.000 tấn gạo này thì tiếp tục cho doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu gạo tự do nhưng giới hạn ở mức 2 triệu tấn. Doanh nghiệp nào đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được thông quan trước và tạm dừng khi đạt 400.000 tấn như hạn ngạch đề xuất”.
“Nếu doanh nghiệp đăng ký tờ khai mà không xuất khẩu gạo trong vòng 15 ngày sẽ phải chờ đến lần sau. Việc này nhằm tránh “xí chỗ” nhưng không xuất khẩu”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, các cơ quan chức năng cần giải quyết “hợp tình hợp lý” cho doanh nghiệp để tránh gây bức xúc. Nhiều doanh nghiệp đã kéo gạo đến cảng nhưng không kịp đăng ký tờ khai hải quan. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục kéo những lô gạo mới đến cảng gây ùn ứ và “xung đột” giữa các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn đọng tại cảng chứ không phải cho mở tờ khai hải quan điện tử vào ban đêm khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Việc này cũng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và không thuyết phục”, ông Thành nêu ý kiến.
Nhiều lô hàng gạo đã kéo đến các bến cảng trước ngày 24/3 (áp dụng lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo).
Sau khi có những sự hoài nghi về tính minh bạch về hệ thống phần mềm của ngành hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cần khẳng định, hệ thống thông quan điện tử của Hải quan Việt Nam (VNACCS) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, hàng hóa được thông quan tự động trong nhiều năm qua.
Việc đăng ký tờ khai, thủ tục hải quan thực hiện 24/7, không có ngày nghỉ, doanh nghiệp khai mọi lúc, mọi nơi.
Đối với vấn đề xuất khẩu gạo, thực hiện quyết định của Thường trực Chính phủ và quyết định về xuất khẩu gạo theo hạn ngạch Bộ Công Thương, từ 0 giờ ngày 12/4, hệ thống VNACCS của hải quan mở cho các doanh nghiệp tự động đăng ký tờ khai giống như các hàng hóa khác, chỉ khác là điều kiện giới hạn trong 400.000 tấn gạo theo hạn ngạch. Khi đạt giới hạn là 400.000 tấn gạo, hệ thống sẽ tự động dừng lại.
“Theo đó, từ 0 giờ ngày 12/4 đến 6 giờ 15 phút ngày 12/4, các doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai trên hệ thống hết hạn ngạch cho phép. Do vậy, các doanh nghiệp vượt quá số lượng hạn ngạch thì hệ thống tự động không chấp nhận”, ông Nguyễn Văn Cần chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Cần, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Cũng theo ông Cần, hiện nay, trên Cổng thông tin Tổng cục Hải quan đã cập nhật danh sách các doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai xuất nhập khẩu. Việc này hoàn toàn minh bạch và đúng với quy định của pháp luật, hệ thống tự động thực hiện không gây phiền hà, sách nhiễu.
Góp ý cho chính sách điều hành xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Văn Cần cho biết, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ là cần phải thu mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia rồi mới cho xuất khẩu.
Mặt khác, việc cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên xem xét đấu thầu hạn ngạch hoặc vẫn cho trừ lùi trên hệ thống tờ khai hải quan như hiện nay nhưng phải khống chế lượng tờ khai tối đa là bao nhiêu. Bởi trên thực tế đã xuất hiện việc một số doanh nghiệp hủy hợp đồng trúng thầu và làm thủ tục xuất khẩu gạo. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề dự trữ lương thực quốc gia.
“Để đảm bảo công khai minh bạch trong việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cập nhật 1 giờ một lần về số lượng doanh nghiệp trên website của Tổng cục Hải quan”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cần nhấn mạnh.
Đại Việt