Fica
  1. Doanh nghiệp

Doanh nghiệp xoay xở kiếm tiền, giữ người bằng thưởng Tết "như năm trước"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Còn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều doanh nghiệp đã lên phương án thưởng Tết cho nhân viên với tiêu chí "thưởng bằng năm trước".

"Không phải bây giờ mà ngay từ đầu năm chúng tôi đã đề ra mục tiêu thưởng Tết nên cuối năm cứ thế triển khai", ông N.M, giám đốc một công ty dược ở Hà Nội chia sẻ với Dân trí.

Theo ông M., từ đầu năm, công ty ông đã đề ra mục tiêu thưởng Tết kèm theo tiêu chí rõ ràng cho từng phòng ban, từng nhân viên. Theo thống kê sơ bộ, những nhân viên xuất sắc của công ty sẽ được hưởng mức thưởng Tết từ 40 đến 50 triệu đồng/người.

Ông M. cho biết, để có được mức thưởng Tết như trên, đa số nhân viên công ty đã đi làm không có ngày nghỉ trong năm nay. Hơn nữa, việc nhân viên đăng ký đi làm thêm ở công ty là hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc. "Đó cũng chính là lý do, công ty tôi vẫn giữ mức thưởng Tết cao, không cắt giảm tiền lương, không sa thải nhân sự trong suốt mùa dịch Covid-19 vì mọi người đã cố gắng rất nhiều", vị giám đốc nói.

Tuy nhiên, ông M. cũng thừa nhận, dịch Covid-19 bùng phát khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sút nhưng để giữ chân người lao động, ông vẫn phải làm mọi cách, xoay xở kiếm tiền thưởng Tết cho anh em.

Doanh nghiệp xoay xở kiếm tiền, giữ người bằng thưởng Tết như năm trước - 1

Nhiều doanh nghiệp xoay xở kiếm tiền, giữ chân lao động bằng thưởng Tết (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Cùng chung quan điểm, ông N.H, chủ một doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở Thanh Hóa cũng quyết định giữ nguyên mức thưởng Tết cho nhân viên bằng năm ngoái. Theo đó, người lao động sẽ được thưởng thêm một tháng lương thứ 13 và một phần quà của công ty. Đặc biệt, với những người có hoàn cảnh khó khăn, ông sẽ có chính sách hỗ trợ thêm.

"Mọi người đi làm cả năm, cống hiến cả năm nên chuyện mong, ngóng, chờ thưởng Tết là thường tình. Tuy nhiên, thưởng Tết cao hay thấp còn phụ thuộc lớn vào việc làm ăn của công ty. Nếu công ty không khó khăn quá thì nên có phần quà nho nhỏ động viên mọi người", ông H. bày tỏ.

Theo ông H., việc thưởng Tết không chỉ là phần thưởng động viên công nhân mà còn là cách giữ nguồn lao động ổn định sau Tết. Thế nên, công ty ông thường phải trích lập quỹ thưởng Tết từ đầu năm để có khoản lớn chi trả vào cuối năm.

Trong khi đó, ông L.P, giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội cho biết, "thưởng Tết 2021 chỉ mang tính tượng trưng". Do bởi, ngành du lịch gần như bị đóng băng, tê liệt từ khi có dịch Covid-19 nên doanh nghiệp không doanh thu trong năm qua.

"Công ty tôi sống sót đến bây giờ đã là một kỳ tích. Chúng tôi đã phải thay đổi, chuyển đổi mô hình liên tục để không bị phá sản. Điều này, anh em trong công ty cũng hiểu và thông cảm với ban lãnh đạo sau khi nghe phương án thưởng Tết năm 2021", ông P. kể.

Theo đó, vào Tết dương lịch, người lao động công ty ông P. sẽ được thưởng 500.000 đồng/người, Tết âm lịch là 2 triệu đồng/người.

Nói với Dân trí, chị O.P, nhân viên một công ty sách ở Hà Nội cho biết, năm nay công ty nơi chị làm gặp khá nhiều khó khăn từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Vào thời điểm giãn cách xã hội, toàn bộ nhân viên ở công ty đã bị cắt giảm 10 - 15% tiền lương mỗi tháng. 

"Nên bây giờ, chúng tôi chỉ mong lương hàng tháng không bị cắt giảm, chứ đừng nói đến câu chuyện xa xôi là có thưởng Tết hay không. Nhưng tôi nghĩ vẫn có, chẳng qua là ít hay nhiều thôi, vì cuối năm, các nhà sách thường tổ chức hội chợ và đây sẽ là nguồn thu lớn của doanh nghiệp", chị P. chia sẻ.

An Chi

Tin liên quan