Cụ thể, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô, do tác động của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã có một loạt chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô bị tác động bởi đại dịch Covid-19.
Bộ Tài chính bác đề xuất giảm phí trước bạ xe hơi (Ảnh minh họa).
Đơn cử, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị định số 109 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 70 về giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.
Mới hơn, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ ban hành nghị định số 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021.
Qua tổng kết, rà soát chính sách hỗ trợ nêu trên, Bộ Tài chính thấy rằng đề nghị giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký mới là không phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Trong văn bản kiến nghị, VAMA đề nghị giảm sản lượng xe sản xuất, lắp ráp để thỏa mãn Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu. Theo đó, doanh nghiệp phải tuân thủ sản lượng riêng, chung tối thiểu mới được miễn giảm thuế nhập linh kiện.
Bộ Tài chính cho biết ngoài các chính sách về ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô động cơ đốt trong, xe chạy điện, Chính phủ đã bổ sung các chương trình ưu đãi cho xe chạy điện, xe dùng nhiên liệu sinh học...
Đồng thời, sắp tới, tiêu chí sản lượng chung tối thiểu các nhóm xe và sản lượng riêng tối thiểu của mẫu xe sẽ được sửa đổi để phù hợp với thực trạng sản xuất xe trước đại diện và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành.
Bộ Tài chính khẳng định sẽ cập nhật số liệu, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và diễn biến, tác động của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh số bán ra trên thị trường xe hơi Việt đã giảm đáng kể. Năm 2020, tổng lượng xe bán ra trong nước chỉ đạt 296.600 chiếc, giảm hơn 25.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Do được hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ từ tháng 7-12/2020, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam đều không sụt giảm quá nghiêm trọng về sản lượng, doanh số bán ra. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới, khu vực và trong nước đã và đang đe dọa đến khả năng sản xuất, lắp ráp và doanh số bán hàng của các hãng xe.
Do hạn chế về giao thương nên chip cho xe hơi đang khan hiếm trên thị trường, không ít mẫu xe đã cắt giảm sản lượng hoặc phải chờ đơn hàng mới. Trong khi đó, nhìn về phía tổng cầu, kinh tế tăng trưởng thấp, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, túi tiền của nhiều người bị tác động, nhu cầu đi lại giảm đã khiến số người mua xe ít hơn.
An Linh