Đây là thực tế được bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại Hội nghị về Logistics vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Theo chuyên gia của CIEM, chi phí logistics của Việt Nam cao do nhiều hạng mục, thủ tục không chuẩn hóa với quốc tế, thậm chí khu biệt để gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Theo bà Thảo, yêu cầu dán phù hiệu cho xe tải hiện nay tồn tại bất cập, doanh nghiệp mỗi lần ra hỏi làm thủ tục nhận phù hiệu xe tải, cán bộ lại trả lời nội dung khác như lúc thì tờ photocopy bị mờ, lúc bảo chưa đúng chuẩn.
Bà Thảo nêu: Doanh nghiệp thường phải lót tay 2 triệu đồng để phù hiệu được làm nhanh, họ không còn cách nào buộc phải vi phạm pháp luật nếu không có khi đi trên đường cũng bị Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xử phạt.
Theo bà Thảo, thị trường vận tải của Việt Nam rất lớn song giá trị lại nằm trong tay các hãng vận tải quốc tế và phụ phí lên tục tăng, thời gian qua đã tăng 3%.
"Các hãng vận tải quốc tế nắm 80% thị phần do tính chuyên nghiệp. Còn doanh nghiệp Việt nhiều nhưng quy mô nhỏ, năng lực kém, chủ yếu chỉ làm vệ tinh cho nước ngoài", bà Thảo cho hay.
Vị chuyên gia của CIEM cho biết, hiện các thủ tục chuyên ngành vẫn là cản trở cho doanh nghiệp trong hoạt động vận tải hàng hoá.
Vận tải của Việt Nam chiếm 77% là đường bộ, đây là phương thức đắt nhất, đầu tư đường bộ Việt Nam lớn trong khi thủy nội địa, đường sắt chưa được chú trọng.
"Đường sắt của Việt Nam hiện chủ yếu trên cả nước là khổ 1 mét không đủ chuẩn quốc tế, không hòa vào mạng lưới đường sắt quốc tế được. Đoàn khảo sát của CIEM đến Quảng Ninh, thấy tỉnh này xây dường sắt khổ 1,4 mét nối sang Trung Quốc nhưng khi về đến Hà Nội thì dừng vì chỉ có đường sắt khổ 1 mét. Chính vì thế, đường sắt khổ 1,4 mét của Quảng Ninh không dùng được nữa, bỏ không", bà Thảo nói.
Về phía cảng, chuyên gia của Viện CIEM cho rằng: Việt Nam có nhiều cảng nhưng ở nhiều cảng cầu tàu lớn chưa nhiều trong khi vận tải quốc tế đòi hỏi tàu trọng tải lớn.
Về đường bộ, hiện nhiều cầu đường bộ không đúng chuẩn container quốc tế nên doanh nghiệp muốn chở container quốc tế và đi con đường đó thì phải có chi phí không chính thức cao. Bộ GTVT cần nghiên cứu xem xét để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo bà Thảo, thủ tục quản lý chuyên ngành trong ngành logistics hiện rất lớn, có cải thiện nhưng số lượng mặt hàng, nhóm mặt hàng phải kiểm tra vẫn lớn.
"Tính đến nay có khoảng 78.000 nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành, các bộ chưa thống nhất nên nhiều mặt hàng phải chịu quản lý nhiều cơ quan khác nhau. Có những kiến nghị giảm kiểm tra chuyên ngành kéo dài nhiều năm vẫn chưa có động thái nào tích cực, hiện 100% lô hàng vẫn phải kiểm dịch", bà Thảo nói.
An Linh