Sau nhiều ngày đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 5/9, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đã được chuyển từ "vùng cam" (vùng nguy cơ cao) sang "vùng vàng" (vùng nguy cơ), tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp thủy sản trở lại hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản ở Sóc Trăng công nhân đã trở lại làm việc từ 60-70%.
Cụ thể, ở Công ty cổ phần thủy sản sạch Việt Nam, sau khi được chuyển sang "vùng vàng", không còn phải áp dụng phương án "3 tại chỗ", công nhân đã quay lại xưởng sản xuất được khoảng 60-70%.
Với những công nhân mới vào làm sẽ được xét nghiệm 100% liên tục 3 ngày đầu. Sau đó, doanh nghiệp xét nghiệm 20% công nhân mỗi ngày nhằm phát hiện sớm người nghi nhiễm để không phát sinh ổ dịch. Đồng thời, những công nhân là lực lượng nòng cốt của doanh nghiệp đã được tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19.
Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, cho biết: Công ty ông có xí nghiệp ở trong khu công nghiệp và ở phường 7 (TP Sóc Trăng) với trên 2.000 công nhân, hiện nay đã có khoảng 50% công nhân đã trở lại làm việc.
"Có nơi địa phương cho công nhân chạy xe đi làm, có nơi công ty phải dùng xe đưa đón mỗi ngày", ông Phẩm cho biết.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản ở Sóc Trăng đang kỳ vọng thời gian tới khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, hoạt động kinh doanh của họ sẽ tốt hơn.
Theo ông Phẩm, hiện công ty ông chỉ có khoảng 40% công nhân đã được tiêm vắc xin mũi một. Do trước đây chỉ tiêm cho những công nhân thực hiện "3 tại chỗ" nên không được nhiều.
"Hiện nay cũng còn khó khăn nhưng chúng tôi cố gắng để duy trì sản xuất, được trở lại hoạt động là được rồi. Hy vọng thời gian tới mọi việc sẽ ổn hơn", ông Phẩm cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, sau khi địa phương nới lỏng giãn cách tại các xã, phường, thị trấn "vùng vàng" và "vùng xanh", các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại được trên 50%.
Hiện công nhân đã quay vào khu công nghiệp An Nghiệp (lớn nhất Sóc Trăng) làm việc được khoảng 11.000 người, đạt 50% so với lúc cao điểm. Đối với vắc xin phòng Covid-19, công nhân các nhà máy đã được tiêm trên 50%.
TP Sóc Trăng đã chuyển từ "vùng cam" sang "vùng vàng" nhưng nhiều cơ sở kinh doanh vẫn "thận trọng" trước dịch nên chưa hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thủy sản đã mở cửa trở lại làm việc thì còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ở tỉnh này vẫn còn e dè.
Ông Trần Khắc Tâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng (phường 1, TP Sóc Trăng) cho biết mặc dù đã chuyển sang "vùng vàng" nhưng công ty cũng chưa hoạt động trở lại.
"Mặt hàng của công ty chúng tôi không phải là mặt hàng thiết yếu (sản phẩm sơn nước, sơn chống thấm, gạch men, thiết bị vệ sinh..) nên chưa có khách", ông Tâm nói lý do.
Ông Trần Khắc Tâm cũng trăn trở, công nhân công ty ở "vùng xanh", "vùng vàng" ở các địa phương khác vào "vùng vàng" TP Sóc Trăng cũng khó nên công ty không có lực lượng nhân công, xe vận chuyển nên ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo (phường 2, TP Sóc Trăng) cho biết nhà hàng vẫn chưa thể mở cửa hoạt động vì các quán ăn, uống được phục vụ tại chỗ nhưng quy định mỗi bàn không quá 2 người và các bàn cách nhau 4 m nên cũng khó hiệu quả cho kinh doanh.
Tương tự, ông Ngụy Bá Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế SATRACO (phường 3, TP Sóc Trăng) cho biết, công ty kinh doanh lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống cũng chưa thể hoạt động trở lại vì chưa có khách hàng.
Ngày 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bùng phát dịch bất cứ lúc nào, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn, số lượng lao động nhiều.
Để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn, phục vụ cho hoạt động sản xuất được an toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc "Sản xuất phải an toàn - An toàn mới sản xuất"; tuyệt đối không vì mục tiêu nâng cao sản lượng sản xuất mà lơ là, không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc theo quy định.
Các doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng lao động phải lưu ý kiểm tra các thông tin liên quan đến yếu tố dịch tễ để sàng lọc kịp thời, tránh trường hợp tuyển dụng những lao động có nguy cơ cao từ những vùng dịch trở về. Đồng thời, phải thường xuyên tổ chức test nhanh định kỳ đối với lực lượng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm.
Cao Xuân Lương