Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM mới đây tổ chức hội thảo về nâng cao kiến thức về Trí tuệ nhân tạo (AI) và ứng dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Ngô Minh Hải - Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Kinh tế Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF) - nhận định, để phát triển trong kinh doanh, doanh nghiệp cần đầu tư vào 3 yếu tố: Con người - công nghệ - hệ thống.
"Trong thời đại thế giới thay đổi, công nghệ luôn luôn cải tiến, doanh nghiệp chỉ có lựa chọn cập nhật hoặc bị đào thải", ông nói.
Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyên gia cho rằng các công ty cần chuẩn bị nhân lực, hạ tầng, chiến lược, quy trình kinh doanh, phải quản trị được sự thay đổi, dùng ít chi phí nhưng tồn tại thời gian dài.
Để áp dụng AI, bước đầu tiên các doanh nghiệp cần quan tâm là tinh gọn các khâu vận hành, từ việc lưu trữ giấy tờ trên điện toán đám mây, cho đến kiểm soát nhân sự bằng AI thế nào.
Sau khi được tinh gọn, bước kế tiếp cần lưu ý là chuẩn hóa. Nếu không chuẩn hóa thì sẽ không nhân bản mô hình đến tất cả các phòng ban trong đơn vị. Từ tinh gọn, chuẩn hóa rồi mới đến tối ưu giữa các bộ phận, tạo nên môi trường làm việc tối ưu.
Ở góc nhìn xa hơn, các doanh nghiệp cần có góc nhìn tối ưu chuỗi giá trị. Khi áp dụng AI, chuỗi giá trị này sẽ giúp giảm chi phí ở khâu nào, đó là việc cần tư duy, ông Hải nói.
Cũng tại sự kiện, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cho biết, dựa vào nhu cầu, quy mô và năng lực, doanh nghiệp cân đối chi phí đầu tư cho công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Chẳng hạn đối với một ngân hàng lớn, riêng đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin (IT) nội bộ đã lên tới 700-800 người. Ngân hàng sẵn sàng đổ thời gian, công sức và vốn lớn để xây dựng ứng dụng trí tuệ nhân tạo riêng cho mình, không thuê bên ngoài, mang tính tự chủ cao.
Tuy nhiên, cũng không nên thần thánh hóa rằng tất cả doanh nghiệp phải bỏ số tiền lớn mới ứng dụng tốt trí tuệ nhân tạo.
Đối với công ty nhỏ, nhu cầu không quá lớn, nếu một số ứng dụng có sẵn trên thị trường đã đáp ứng nhu cầu rồi, thì chỉ cần thuê với chi phí vài triệu đồng mỗi tháng, hạn chế tốn kém so với tự xây nền tảng, ứng dụng mới.
Hiện AI dường như đang bị quá "thần thánh" hóa, thị trường nên phản ứng bình thường với công nghệ này để nhiều đơn vị có thể tiếp cận.
Bản thân công nghệ AI không thể đứng một mình mà cần sự kết hợp cùng nhiều công nghệ khác như Block Chain, dữ liệu lớn (Big Data), Big IoT… AI mà không có các công nghệ khác cũng không thể vận hành.
Theo ông Huân mặc dù, AI đang được thế giới quan tâm, các tập đoàn lớn đang đổ nhiều tiền để phát triển công nghệ này. Nhưng, AI không phải là tất cả, thị trường đang bị nghiêm trọng hóa vấn đề này.
"Khi trầm trọng hóa quá thì khó tiếp cận. Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng để áp dụng công nghệ cần chi hàng tỷ USD, tiền đầu tư khổng lồ khó tiếp cận. Tuy nhiên không phải vậy, việc ứng dụng AI vô cùng đơn giản với nhiều hướng tiếp cận có chi phí thấp hơn" ông Huân nói.