Còn nhớ hồi tháng 7/2015, lúc cả nước sôi nổi góp ý cho văn kiện ĐH XII của Đảng, TS Võ Đại Lược là người được UB Trung ương MTTQ Việt Nam mời góp ý tại nhiều hội thảo.
10 ngành nghề kinh doanh có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, đơn vị: Doanh nghiệp)
Để doanh nghiệp được phép chết
Trong đó, ông nói thằng: “Đảng phải làm sao để pháp luật được thực thi tốt. Vì pháp luật có được tuân thủ thì người dân và doanh nghiệp làm ăn mới tốt, dân mới giàu, nước mới mạnh”. Ông dẫn ra ví dụ về Luật phá sản được Quốc hội ban hành năm 2014: “Luật này rất tốt, nó giải quyết được nhiều vấn đề khi một doanh nghiệp không còn hiệu quả. Thế mà từ khi luật ban hành đến nay, chỉ mới 8 doanh nghiệp được phá sản theo luật. Tức là doanh nghiệp chết mà… không được phép chết”.
Đến nay thì tình hình này đã khác. Tổng cục Thống kê vừa công bố: số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng năm 2018 là 7.714 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 18/9, số doanh nghiệp giải thể đã đạt hơn 9.100 doanh nghiệp.
Nhưng nhìn về những năm trước, số doanh nghiệp rất khó phá sản dù đã có Luật Phá sản 2004. Hồi đó, nếu chỉ một lý do như báo cáo tài chính không lập đúng thời điểm, thì doanh nghiệp cũng không thể phá sản. Một doanh nghiệp phá sản thường phải do tòa án tuyên. Đây cũng chính là lý do khiến cho việc một doanh nghiệp muốn công bố phá sản gặp khó khăn do các chủ nợ, mà chủ yếu là các ngân hàng thương mại gây sức ép để không phải ra tòa.
Luật phá sản 2014 quy định: khi một doanh nghiệp phá sản, thì tài sản sẽ được chia theo quy định, đến lượt chủ nợ có khi không còn bao nhiêu. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nộp đơn phá sản, có nghĩa món vay phải đưa vào lập dự phòng, mà thời gian tòa tuyên phá sản khá dài thì khoản nợ ấy bị treo lâu, dễ bị liệt vào nợ xấu, ảnh hưởng đến lợi nhuận cả năm của ngân hàng.
Ngành tòa án cũng ngại tiếp nhận đơn yêu cầu được phá sản. Số đơn được giải quyết phá sản rất ít. Mà khi không phá sản được thì chủ doanh nghiệp không được quyền thành lập và giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp mới.
“Cá nhanh nuốt cá chậm”
Tuy vậy, nhìn nhận một cách thị trường, một doanh nghiệp sinh ra, phát triển và phá sản là một quy luật bình thường. Trước sức ép của công nghệ, của chuỗi giá trị, của những yêu cầu khắt khe từ thị trường, từ người tiêu dùng, quy luật đào thải là điều hết sức tự nhiên. Tình hình hiện nay, như Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc từng ví von, không phải là “cá lớn nuốt cá bé”, mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”.
Doanh nghiệp nào không nhanh nhạy, nắm bắt xu hướng thị trường, không cải tiến trình độ quản trị, đào tạo năng lực nhân sự, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, thì tất yếu dẫn đến hệ quả là năng lực cạnh tranh sẽ thấp. Mặt khác, cũng chính vì “cá nhanh” có thể nắm bắt được xu hướng thị trường, tìm ra ngay đâu là thế mạnh kinh doanh hoặc nhận rõ cơ hội kinh doanh hiệu quả hơn, nên các chủ doanh nghiệp đóng cửa để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác cũng khá dễ dàng.
Mặt khác, các doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường là điều phổ biến. Ủy ban Châu Âu từng thống kê tỉ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm ở khu vực này chỉ là 46%. Tỷ lệ này tại Mỹ là 50%.
Nhưng dù sao các chuyên gia vẫn lo ngại với các doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động ở Việt Nam. Lý do đơn giản là bởi, ở Châu Âu hay Mỹ, số lượng doanh nghiệp về cơ bản đã đáp ứng được tỷ lệ doanh nghiệp/số dân. Việt Nam phấn đấu năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, điều này sẽ giúp Việt Nam đạt tỷ lệ 1 doanh nghiệp/100 dân.
Đại biểu quốc hội Bùi Thanh Tùng -(Đoàn ĐB Hải Phòng): Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Tuy đã có những cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vẫn còn khá nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Việt Nam có xếp hạng thấp so với quốc tế và khu vực, như nộp thuế, giải quyết phá sản, khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng... Đặc biệt là chi phí logistics kiểm tra chuyên ngành còn khá cao, gấp khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực. ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng ciem: Hướng đến bảo đảm an toàn kinh doanh Thời gian thực hiện cải cách thủ tục hành chính của chúng ta quá lâu để đạt được mức trung bình ASEAN 4, Việt nam phải cải thiện thứ hạng hiện nay là 68 lên 40, tức cải thiện 28 bậc nữa. Còn nếu muốn về mức trung bình ASEAN 3 thì phải vượt lên top 20. Tuy nhiên, đây là mục tiêu vô cùng tham vọng. Một rào cản nữa tới môi trường kinh doanh là chúng ta mới chỉ có tư duy xóa bỏ rào cản, tức cái gì vướng thì gạt ra. Nhưng về cơ bản, các nước đã bước sang một bước khác, tức ngoài xóa bỏ rào cản còn tạo ra những yếu tố thúc đẩy phát triển. Ví dụ như phải đảm bảo sự an toàn trong kinh doanh cho doanh nghiệp như quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ; có chính sách thúc đẩy cạnh tranh… |
Đại Dương
Theo Enternews