Fica
  1. Doanh nghiệp

Doanh nghiệp càng lớn càng phải tiếp nhiều đợt thanh kiểm tra

Đó là nhận định được đưa ra tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức trực tuyến sáng 15/4.

Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng

VCCI cho biết, báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp (DN), trong đó có trên 10.700 DN tư nhân và gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong bảng công bố PCI 2020, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng này. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh giữ được vị trí quán quân trên bản xếp hạng PCI. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh thành, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây. Xếp sau Quảng Ninh về chất lượng điều hành kinh tế lần lượt là các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh.

Đánh giá về tầm quan trọng của PCI, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, PCI là thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI. Từ PCI, những mô hình  “Cà phê doanh nhân” khởi nguồn từ Đồng Tháp, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận, huyện (DDCI) được triển khai rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhân rộng trên 40 - 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Song, kết quả điều tra PCI cũng chỉ ra rằng, cứ 4 DN thì 1 DN cho rằng địa phương ưu ái các DN Nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân. Cứ 3 DN thì có 1 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái cho DN. Gần 45% DN cho biết họ vẫn phải trả các chi phí không chính thức. 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% DN phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần.

Ngoài ra, tác động của Covid cũng khiến niềm tin kinh doanh bị giảm mạnh. Chỉ có 41% DN cả tư nhân và FDI dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, con số này giảm hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2019.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, bảng chỉ số năng lực cạnh tranh năm nay đưa đến một tín hiệu vui, đó là số DN phàn nàn về các chi phí không chính thức đã giảm thiểu. Cụ thể, tỷ lệ DN cho biết phải trả chi phí không chính thức trong điều tra năm 2020 giảm xuống mức 44,9% so với mức 66% của năm 2016 và ở mức thấp nhất trong 15 năm qua. Quy mô khoản chi phí không chính thức đối với dN đã giảm đáng kể khi tỷ lệ DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức đã giảm xuống còn 5,4% trong năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, vẫn còn tình trạng, những DN lớn phàn nàn về việc họ phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra trong năm. Điều này cho thấy, những DN càng lớn thì nguy cơ phải tiếp đón các đoàn thanh kiểm tra càng cao” - ông Tuấn nói.

Cần tiếp tục cải cách nhiều khía cạnh của môi trường kinh doanh

Là địa phương liên tiếp 4 năm liền giữ vị trí quán quân, đại diện tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tường Văn, Phó bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để giữ được vị trí này, lãnh đạo tỉnh luôn đặt ra mục tiêu, kế hoạch hành động cụ thể  trong việc cải cách hành chính, cải thiện môi trườn kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với mục tiêu quyết tâm giữ vững ngôi đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Quảng Ninh đã luôn nỗ lực thực thi các chỉ tiêu của PCI một cách bài bản, khoa học, xác định những điểm nghẽn trong điều hành kinh tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả. Với việc xác định việc nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tạo thuận lợi cho các DN kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh, duy trì, cải thiện sức cạnh tranh. “4 năm liên tiếp và sẽ cố gắng giữ vị trí này trong những lần khảo sát tiếp theo, chúng tôi cam kết sẽ luôn sát cánh cùng DN, doanh nhân phát huy tối đa thế mạnh vốn có, đồng thời nỗ lực đổi mới, không ngừng vươn lên” – ông Văn khẳng định.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Xác định, người dân DN là động lực phát triển. Thời gian qua, chúng tôi luông chú trọng xây dựng một hình ảnh của Đồng Tháp  luôn năng động, sáng tạo, không hài lòng với bất cứ một kết quả nào mà luôn ở tâm thế nỗ lực vươn lên. “Chúng tôi bắt đầu sự cải cách đổi mới với trọng tâm là xây dựng chính quyền, chuyển từ chính quyền mệnh lệnh hành chính sang chính quyền thân thiện phục vụ người dân, Các vấn đề về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đổi mới sáng tạo là những yếu tố mà Đồng Tháp luôn quan tâm hàng đầu” – ông Nghĩa  chia sẻ đồng thời cho biết, chúng tôi luôn lắng nghe từ nhiều phía để cải cách một cách toàn diện. Chính với cách làm này với sự quyết tâm cao Đồng Tháp đã luôn đứng trong top đầu PCI trong nhiều năm qua.

 

Theo ông Nghĩa, trong 10 tiêu chí mà chỉ số năng lực cạnh tranh PCI đưa ra, Đồng Tháp luôn có kế hoạch triển cụ thể triển khai từng tiêu chí. “Qua kết quả của VCCI công bố hàng năm, chúng tôi luôn nhìn lại tiêu chí nào chưa hoàn thiện để soi rọi lại, nỗ lực cố gắng cải thiện tất cả những vấn đề còn vướng mắc. Trong tất cả các tiêu chí đều có mặt thuận lợi, mặt khó khăn khác nhau. Tuy nhiên để vượt qua những khó khăn, ông Nghĩa cho rằng, quan trọng nhất là quyết tâm của người đứng đầu cùng toàn hệ thống chính trị trong việc nỗ lực cùng phát triển, đồng thuận nhìn nhận những khó khăn vướng mắc để khắc phục vươn lên. “Trong bảng công bố danh sách PCI, Đồng Tháp là địa phương 3 năm liê tiếp đạt ngôi Á quân . Đó là nhờ nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, lấy nhân dân, DN làm động lực phát triển” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, những thành quả quan trọng thời gian qua là đáng khích lệ, song điều tra PCI cho thấy, cộng đồng DN tiếp tục kỳ vọng chính quyền các cấp cần có những cải cách mạnh mẽ và thực chất trên nhiều khía cạnh của môi trường kinh doanh. Đó là cải cách hành chính cần tập trung vào cắt giảm thời gian và chi phí cho DN, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong tiếp cận thông tin và các nguồn lực cho phát triển nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời DN vượt qua các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh...

Thế Hưng

Cứ 4 DN thì 1 DN cho rằng địa phương ưu ái các DN Nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân. Cứ 3 DN thì có 1 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái cho DN. Gần 45% DN cho biết họ vẫn phải trả các chi phí không chính thức. 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% DN phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần.