Vấn đề nói trên được bàn thảo trong buổi Tọa đàm góp ý dự thảo Luật PPP - “Hợp đồng PPP và giải quyết tranh chấp”, sáng nay (6/5), tại Hà Nội.
Tọa đàm góp ý dự thảo Luật PPP - “Hợp đồng PPP và giải quyết tranh chấp”, sáng nay (6/5), tại Hà Nội
Dự thảo Luật PPP đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét và chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2020. Hiện nay, Việt Nam đã triển khai 336 dự án theo hình thức PPP, trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Tham gia góp ý về dự thảo Luật này, ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư và công trình giao thông đường bộ Việt Nam - cho rằng, bản chất của đầu tư theo phương thức đối tác công-tư là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp.
“Nhưng nhiều nội dung liên quan đến các chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể với tài sản là công trình của dự án, những vướng mắc, tranh chấp, xử lý sai phạm chưa được nêu một cách thấu đáo” - ông Trần Chủng nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Thưởng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 - cho hay: Trong hợp tác PPP, cơ chế chia sẻ rủi ro là một trong những yếu tố cốt lõi để thu hút các nhà đầu tư: “Chia sẻ rủi ro mà các nhà đầu tư mong đợi là Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư không chỉ trong khâu thực thi pháp luật mà còn cả khi có sự thay đổi về chính sách, thay đổi về quy hoạch tác động trực tiếp đến việc giảm doanh thu”.
Cơ chế chia sẻ rủi ro là một trong những yếu tố cốt lõi để thu hút các nhà đầu tư PPP
Theo ông Thưởng, để có thể thu hút được các nhà đầu tư tham gia dự án PPP thì Nhà nước phải có những ưu tiên như ưu đãi về lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Bởi, ngân hàng là một trong những đối tác hưởng lợi thông qua việc cho vay, nhưng khi dự án gặp rủi ro thì ngân hàng không chia sẻ với các nhà đầu tư.
Đại diện Công ty 194 cũng thông tin, Chính phủ đề xuất cơ chế chia sẻ rủi ro trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết theo hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu theo hợp đồng.
“Như vậy sẽ làm vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế, bản chất là chuyển công trình từ đấu thầu thành chỉ định thầu. Điều này tạo lỗ hổng cho các nhà đầu tư bỏ giá thấp để trúng thầu, sau quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh theo thực tế, không đạt mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh tìm nhà đầu tư phù hợp, vi phạm nguyên tác thị trường là lời ăn - lỗ chịu” - ông Thưởng phân tích.
Tại tọa đàm, ông Dương Đăng Huệ - Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế - nêu quan điểm về quyền của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đối với công trình dự án và chế định hợp đồng trong dự án Luật PPP.
Đổ “núi tiền” làm dự án, doanh nghiệp lo rủi ro, bị “tước” quyền sở hữu
“Việc Nhà nước công nhận hay bác bỏ một quyền dân sự nào đó là chuyện bình thường và đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, cách hành xử đó của Nhà nước, nhất là hành xử theo hướng phủ định quyền thì lại không thể tùy tiện mà phải dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn rõ ràng và đầy đủ. Vì vậy, trong trường hợp không thừa nhận quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư đối với công trình dự án thì nhà làm luật phải nêu rõ lí do” - ông Huệ cho biết.
Đối với nhà đầu tư, ông Huệ cho rằng không có gì quan trọng bằng tư cách chủ sở hữu của mình đối với tài sản là công trình dự án. “Nếu mất tư cách này thì đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ bị tước bỏ đi rất nhiều quyền và lợi ích mà pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Dân sự 2015 đã dành cho họ với tư cách là chủ sở hữu tài sản” - ông Huệ nói.
Châu Như Quỳnh