Fica
  1. Doanh nghiệp

Dệt may Việt Nam xuất sang Á-Âu có nguy cơ vượt ngưỡng quy định

Lượng nhập khẩu ưu đãi các mặt hàng com lê, áo khoác, blazer, quần tây trong thời gian từ tháng 01/2020 đến tháng 9/2020 lđã ên tới 72,0% mức ngưỡng tương ứng cho năm 2020.

Hình minh hoạ.

Bộ Công Thương cho biết đã nhận được thông báo của EEC cảnh báo về việc các mặt hàng dệt may của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) có nguy cơ vượt mức ngưỡng (trigger level) áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020 theo quy định VN-EAEU FTA.

Cụ thể, các mặt hàng váy, đầm, quần áo phụ nữ (mã HS 6104.41, 6104.42, 6104.43, 6104.44, 6104.49, 6204.42, 6204.44, 6204.49) của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 01/2020 đến tháng 9/2020 đã đạt 94,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020.

Lượng nhập khẩu ưu đãi các mặt hàng com lê, áo khoác, blazer, quần tây trong thời gian từ tháng 01/2020 đến tháng 9/2020 lên tới 72,0% mức ngưỡng tương ứng cho năm 2020 và khối lượng nhập khẩu ưu đãi đối với áo sơ mi, áo chui đầu, ghi lê, áo cộc (Mã HS 6110) lên tới 71,5% mức ngưỡng tương ứng cho năm 2020.

Theo Điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU, theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFNa trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.

Trước đó hồi tháng 9, Bộ Công Thương cũng đã có thông báo tương tự cho biết hàng dệt may xuất khẩu sang EAEU của Việt Nam có nguy cơ vượt ngưỡng quy định Hiệp định Việt Nam – EAEU.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, bước sang quý 4/2020 tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều. Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái  giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo khá chững.

Nguyễn Khánh