Fica
  1. Doanh nghiệp

Dệt may phục hồi, nỗ lực vượt “bão dịch”

Theo các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành may có nhiều khởi sắc. Hiện nhiều DN đã có hợp đồng đến hết quý II/2021, thậm chí có DN ký được hợp đồng hết quý III năm nay. Với những tín hiệu khả quan, ngành may bày tỏ kỳ vọng mục tiêu 39 tỷ USD xuất khẩu năm 2021 là trong tầm tay.

Những dấu hiệu khởi sắc

Trải qua một năm 2020 đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, với mức tăng trưởng âm 10% (chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 35,2 tỷ USD, trong khi 2019 đạt 39 tỷ USD), những tháng đầu năm, hoạt động của ngành may mặc đã có những tín hiệu vui.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may mặc ước đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 9 % so với cùng kỳ năm 2020. Dù đây là mức tăng không quá cao song, với những diễn biến của năm 2020 đầy khó khăn, con số này cho thấy những tín hiệu khá lạc quan của ngành may trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước.

Đại diện Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, hiện DN đã có đơn hàng đến hết tháng 7/2021. Đến nay, các sản phẩm của Tổng công ty được nhiều thị trường lớn chú ý và đã hợp tác, ký hợp đồng như thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...Lãnh đạo Công ty Đầu tư và Thương mại TNG cũng cho hay, các đơn hàng đã xuống chi tiết hết quý II. Lãnh đạo Công ty May 10 cũng nhấn mạnh những dấu hiệu khả quan của thị trường đã và đang giúp DN này phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tương tự, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng khẳng định, nhiều DN trong tập đoàn đã và đang khá dồi dào đơn hàng.

 

Nhìn lại bức tranh ngành may năm 2020, các chuyên gia đánh giá, quả là một năm khủng hoảng của ngành này, khi mà đến hết quý II của năm này, các DN dệt may vẫn trong tình trạng “đói đơn hàng”. Gần như không có một đối tác nào ký kết hợp đồng do kết nối giao thương bị “tắc nghẽn” vì Covid-19. Thế nhưng, những tháng đầu năm nay, dệt may nước nhà đã thực sự có khởi đầu tốt đẹp khi hàng loạt các DN đã có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí sang quý III/2021.

Không chỉ khởi sắc về các đơn hàng, doanh thu của các DN trong quý I/2021 cũng nhuộm màu tươi sáng. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có lợi nhuận hợp nhất quý I ở mức tương đối cao so với các năm trước và đạt trên 20% so với tổng mức có được cả năm 2019 - thời điểm trước dịch. Tổng công ty Đức Giang ước doanh thu quý I đạt 433 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8 triệu USD, tăng 64%.

Khó khăn vẫn còn ở phía trước

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành may mặc là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, do đây là ngành có lượng xuất khẩu lớn ra thị trường thế giới. Bởi vậy, những tác động của dịch đến chuỗi cung ứng toàn cầu đã bộc lộ rất rõ nét ảnh hưởng trực tiếp đến ngành may. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng thế giới bắt đầu hồi phục trở lại, đây là cơ hội để ngành may mặc hồi phục, tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới. Cũng theo ông Giang, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cũng tạo ra những động lực xuất khẩu hàng hóa của các DN nước nhà, trong đó có DN dệt may.

Các chuyên gia trong ngành cũng nhấn mạnh về những cơ hội có được từ các FTA thế hệ mới. Đơn cử, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp sản phẩm dệt may lan tỏa nhanh hơn tới thị trường Canada, New Zealand, Australia…; FTA Việt Nam - EU (EVFTA) cũng tạo cơ hội cho nhiều dòng sản phẩm thâm nhập tốt hơn vào thị trường EU.

Có thể thấy, đây là những đòn bẩy cho thấy, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, để có thể đạt được địch 39 tỷ USD của năm nay, các DN ngành may mặc còn phải vượt rất nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất vẫn là dịch bệnh, khi diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn đang rất khó lường, không thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, do đó không loại trừ được tình trạng các đơn hàng gặp rủi ro khi dịch bệnh bùng phát mạnh trên thế giới. Bởi vậy, theo các chuyên gia trong ngành, các DN cần phải chủ động ứng phó trước mọi tình huống, đa dựng hóa các sản phẩm, nắm bắt thông tin thị trường để có thể sẵn sàng cung ứng những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của đối tác.

Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập toàn cầu, mỗi DN cần chủ động nâng sức cạnh tranh bằng cách cải tiến công nghệ sản xuất, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực để có thể tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, từ đó tham gia sâu chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Thế Hưng