Đó là ý kiến của ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành Khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN - tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, sáng 8/8.
Theo ông Thành, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong nước, các doanh nghiệp Mỹ cũng đã chịu ảnh hưởng rất mạnh của đại dịch và các hạn chế do công tác chống dịch yêu cầu. Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã phối hợp với Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tập hợp nhanh những ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp Mỹ.
Các Hiệp hội, doanh nghiệp tham dự Hội nghị với Chính phủ sáng 8/8 nêu những vướng mắc và đề xuất cơ chế tháo gỡ khó khăn (Ảnh: Đoàn Bắc).
"Khảo sát cho thấy tất cả doanh nghiệp đều đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh là rất nghiêm trọng. Doanh nghiệp đã phải cắt giảm mạnh hoặc dừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh từ đầu tháng 7. Đa số các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đều tham gia sâu vào hoặc đứng đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với các doanh nghiệp có sản lượng lớn ở Việt Nam sự suy giảm mạnh quy mô hoặc tạm dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất đang gây những xáo trộn lớn" - ông Thành nói.
Trước bối cảnh dịch Covid-19, Phó Giám đốc điều hành Khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đang gặp các vướng mắc và đề xuất những cơ chế cụ thể.
Đối với vướng mắc về thủ tục cho các trường hợp nhập cảnh ngắn hạn, đặc thù. Hiện nay, các chuyên gia nước ngoài vào lắp đặt, hướng dẫn vận hành, sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP yêu cầu phải làm hồ sơ xin cấp giấy phép lao động với nhiều thủ tục và khó thực hiện trong bối cảnh đại dịch. Trước đây các trường hợp này chỉ cần xin visa công tác rất đơn giản.
"Đề nghị miễn cách ly cho người có hộ chiếu vắc xin và tuân thủ lịch trình công tác ngắn ngày. Với các trường hợp nhập cảnh đặc biệt như có chuyên cơ chở các nhóm khảo sát cho các dự án đầu tư hàng tỷ USD, cần có quy định phòng dịch đặc thù vì mức độ rủi ro thấp và tầm quan trọng của các đoàn này phù hợp với chủ trương dọn tổ đón "đại bàng" của Chính phủ" - ông Thành đề xuất.
Cùng với đó, ông cho rằng quy định phòng dịch đối với phi công vận tải quốc tế cũng cần có sự điều chỉnh. Lý do là phi công chỉ ở trên máy bay hoặc xuống kiểm tra an toàn máy bay tại sân đỗ, không tiếp xúc gần, chỉ liên lạc qua bộ đàm với nhân viên không lưu và sân bay, vì vậy không nên yêu cầu mặc bảo hộ phòng dịch đầy đủ như bác sĩ trong bệnh viện và hiện cũng không nước nào yêu cầu như vậy.
Phó Giám đốc điều hành Khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc về đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, vận tải hàng hóa, sự di chuyển của nhân sự tham gia chuỗi cung ứng, thông quan hàng hóa 24/7 tại cảng xuất nhập khẩu; khó khăn tiếp cận vắc xin ngừa Covid -19 cho người lao động và thuốc điều trị; duy trì sản xuất an toàn phòng chống Covid-19; đứt gãy kênh liên lạc giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, các bộ, ngành…
"Các nước đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã phủ vắc xin cho toàn bộ dân số cần tiêm. Vì vậy không thể duy trì phong tỏa trong thời gian dài" - ông Thành nêu thực tế và kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.
Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và công bố lộ trình mở cửa dần trở lại với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo khu vực với các mốc thời gian cụ thể. Các mốc thời gian này có thể điều chỉnh theo tình hình thực tế, nhưng bắt buộc phải đặt ra để doanh nghiệp có cơ sở lên kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Châu Như Quỳnh