Chia sẻ trước thềm Hội nghị thường niên và Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4, ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng Giám đốc DATC cho hay, tới nay DATC đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng.
Theo đó hỗ trợ khoảng 3.000 doanh nghiệp xử lý được công nợ và tài sản tồn đọng trước, trong và sau cổ phần hóa cũng như để tái cơ cấu phục hồi kinh doanh.
Ông Thường cũng cho biết, DATC đã hỗ trợ cổ phần hóa hàng chục Tổng công ty (TCT) Nhà nước và phục hồi sản xuất kinh doanh cho hơn 150 DNNN, trong đó có TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines), TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), TCT Cà Phê Việt Nam, TCT Xây dựng Miền Trung...
Đối với nghiệp vụ tiếp nhận, DATC đã tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp để góp phần trợ giúp tích cực đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa khoảng 5.000 tỷ đồng nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp cho trên 2.600 DNNN thực hiện cổ phần hóa…
“Nếu như trước đây DATC chỉ tập trung vào DNNN thì bây giờ sẽ mở rộng tới tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế, kể các các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc mở rộng hoạt động của DATC hi vọng sẽ tác động tích cực hơn nữa cộng đồng doanh nghiệp và tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, ông Thường cho biết thêm.
Ông Phạm Mạnh Thường cho biết, DATC được thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ với hai chức năng chính, ngoài chức năng kinh doanh theo cơ chế thị trường thì chức năng quan trọng của DATC còn là công cụ của Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị do Chính phủ giao xử lý các vấn đề nợ và tài sản tồn đọng trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo đó, DATC sử dụng vốn nhà nước giao để kinh doanh những ngành nghề đã đăng ký mà trọng tâm là mua, bán các khoản nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, bảo đảm kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao.
Hội nghị thường niên Diễn đàn IPAF 2018 năm nay được tổ chức vào ngày 14/11 tại Hà Nội. Bên cạnh sự kiện này, vào ngày 15/11, Hội nghị quốc tế Diễn đàn IPAF 2018 sẽ được tổ chức với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính Châu Á và giải pháp thực hiện”.
Tại đây, các diễn giả, chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước, đại diện các thành viên IPAF sẽ tập trung vào việc bàn thảo, chia sẻ và trao đổi về tình hình kinh tế - tài chính thế giới và khu vực châu Á, qua đó đánh giá những tác động đối với sự ổn định và phát triển của các quốc gia thành viên IPAF và khu vực.
Các thành viên Diễn đàn IPAF và các chuyên gia sẽ chia sẻ về tình hình và cơ chế xử lý nợ xấu trong thời gian qua tại các quốc gia và những bài học kinh nghiệm từ quốc tế trong công tác xử lý nợ xấu; phân tích các cơ hội và thách thức mà các nền kinh tế khu vực, có thể tận dụng hoặc sẽ phải đối mặt nhằm tìm kiếm, thảo luận các giải pháp hữu hiệu cho việc củng cố an ninh tài chính khu vực trong thời gian tới.
Qua đó làm cơ sở để các quốc gia thành viên xây dựng kế hoạch phát triển thị trường mua bán nợ và quản lý tài sản nhà nước một cách hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách với Chính phủ về những vấn đề liên quan đến xử lý nợ/tài sản xấu, tăng cường an ninh tài chính, bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế quốc gia và khu vực.
Phương Dung