"Bốc hơi" cả nghìn tỷ đồng nếu dịch kéo dài
Nhìn cảnh chen chúc mua sắm trong các hệ thống siêu thị, không ít người cho rằng đây là các đơn vị “bội thu” trong mùa dịch. Tuy nhiên, số liệu tại các hệ thống bán lẻ gần đây cho thấy họ cũng đang chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tình hình kinh doanh của hệ thống, so với cùng kỳ năm 2019 doanh số bán hàng tăng chậm.
Theo đó, chỉ có nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm có tăng do tâm lý tích trữ trước diễn biến phức tạp của dịch; còn lại theo Bộ Công Thương, các nhóm hàng hóa khác giảm.
Doanh thu từ lương thực, thực phẩm có tăng do tâm lý tích trữ trước diễn biến phức tạp của dịch; còn lại theo Bộ Công Thương, các nhóm hàng hóa khác giảm.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động kinh doanh trong 2 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến đến hết quý I/2020 tiếp tục giảm.
Cụ thể, tại hệ thống Lotte, doanh thu tháng 2 giảm khoảng 50% so với tháng 1/2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019;
Tại hệ thống Aeon Việt Nam, doanh thu tháng 1/2020 giảm 2%; tháng 2 giảm 6% so với kế hoạch đề ra.
Tại Saigon Co.op, doanh thu cho thuê mặt bằng giảm 50%, doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II, giảm 2.000 tỷ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài.
Đối với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.
Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho biết các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay hầu hết đều gặp khó khăn, doanh số sụt giảm chung từ 15-20%. Mặc dù các sản phẩm thiết yếu và thực phẩm tươi sống có tăng nhưng các nhóm hàng phi thực phẩm doanh thu lại giảm mạnh.
Dân "đổ xô" mua thực phẩm tích trữ, các siêu thị làm ăn lời lãi ra sao?
“Nhìn chung các siêu thị đang khó khăn, chỉ tập trung nhập và bán mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, họ cũng phải gồng mình chống dịch bệnh, không có siêu thị nào nói có lãi cả” - vị này cho biết.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I đạt khoảng 1.246 nghìn tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Trong đó, riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tháng 3 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020 (trong khi đó 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng 8,3%).
Doanh thu sụt giảm, chi phí tăng
Theo Bộ Công Thương, trước tác động của dịch Covid-19 sức mua giảm. Nguồn cung hàng thiếu ổn định, đôi khi thiếu cục bộ; nguồn cung nông sản diễn biến phức tạp.
Đáng lưu ý, mặc dù sức mua giảm nhưng các chi phí để duy trì hoạt động khó giảm, nhất là chi phí bán hàng, vận chuyển, dự trữ/lưu kho, môi trường… không giảm thậm chí còn tăng.
Cảnh chen nhúc mua đồ tại một siêu thị ở Tp.HCM (ảnh: Đại Việt).
Cụ thể, doanh nghiệp phải tổ chức bán hàng đa kênh, giao hàng miễn phí cho khách hàng tại nhà mà vẫn phải bình ổn giá, vì vậy phải tăng chi phí bán hàng, giao hàng.
Để kiểm soát dịch, doanh nghiệp cần tăng thêm chi phí bảo hộ cho người lao động, khách hàng, người giao hàng như phải mua thêm nhiệt kế, khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn tay, sát khuẩn tại nơi kinh doanh hàng ngày...
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp sản xuất cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid đẩy giá thành tăng cao.
"Thực hiện chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước doanh nghiệp phải tăng lượng dự trữ hàng hoá thiết yếu để phục vụ thị trường, do đó tăng: vốn mua hàng dự trữ, thuê thêm kho, nhân viên điều hàng kho, giao hàng, tăng chi phí vận chuyển, điện..." - Bộ Công Thương cho hay.
Các doanh nghiệp phân phối được chỉ định phục vụ hàng hoá tiêu dùng thiết yếu cho vùng dịch, khu vực cách ly, đồng thời tăng thêm thời gian bán hàng phục vụ người dân, do đó phải tăng chi phí về nhân công, vận chuyển, chi phí bảo hộ lao động và bồi dưỡng thêm cho người lao động làm việc tại khu vực nguy hiểm, làm việc thêm giờ.
Nguyễn Mạnh