Fica
  1. Doanh nghiệp

Đại gia "ngắm" Ngoại hạng Anh, bầu Đức cân nhắc đưa đội bóng "lên sàn"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Để đưa Bamboo Airways tiến gần hơn thị trường quốc tế, ông Trịnh Văn Quyết lên mục tiêu sở hữu một câu lạc bộ ở giải Ngoại hạng Anh. Còn với bầu Đức, IPO HAGL là một phương án đang được xem xét.

Ông Phạm Nhật Vượng "bỏ túi" hơn 8.000 tỷ đồng trong ngày "rực lửa"

Phiên giao dịch ngày 29/11, trong khi thị trường "đỏ lửa" với hơn 600 mã giảm thì VIC đã phát huy tốt vai trò đầu tàu - tăng trần - đóng góp 6,67 điểm cho VN-Index và mang lại cho ông Phạm Nhật Vượng thêm 8.248 tỷ đồng .

Ở phiên giao dịch trên, tình trạng bán tháo đã không hề diễn ra như một số lo ngại của giới đầu tư do ảnh hưởng tiêu cực của đà giảm chung trên thị trường thế giới trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới của Covid-19 là Omicron với tốc độ lây lan nhanh và được cho là rất nguy hiểm.

Một trong những "công thần" giúp chỉ số không bị rơi mạnh chính là VIC của Vingroup. Mã cổ phiếu này tăng trần trong khi rổ VN30 có tới 26 mã giảm giá. Với diễn biến tăng trần của VIC lên 105.300 điểm, VN-Index có thêm 6,67 điểm.

Điều này cũng đưa VIC giành lại "ngôi vương" về giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, với giá trị vốn hóa cuối phiên đạt 400.689 tỷ đồng tại thời điểm cuối phiên 29/11, VIC đã vượt qua VCB để đứng đầu toàn thị trường về giá trị vốn hóa.

Đồng thời, VIC tăng 6.800 đồng/cổ phiếu cũng đồng nghĩa với việc, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup - cũng tăng thêm 8.248 tỷ đồng chỉ trong một phiên giao dịch. Ông Vượng đang sở hữu tổng cộng 1,27 tỷ cổ phiếu VIC (cả trực tiếp và gián tiếp). Cuối phiên 29/11, tài sản của người giàu nhất Việt Nam ước đạt 227.018 tỷ đồng. 

Đại gia ngắm Ngoại hạng Anh, bầu Đức cân nhắc đưa đội bóng lên sàn - 1

Nhiều thông tin liên quan đến các tỷ phú trên sàn chứng khoán Việt Nam tuần qua (Ảnh: IT).

Bầu Đức nhận sai, thời hoàng kim có trở lại?

"Bây giờ, HAGL sẽ không làm bất động sản nữa, tôi khẳng định. Mình đã đi qua rồi không đi lại, vì rất nhiều đại gia bất động sản đã đi rồi, HAGL quay lại sẽ khó cạnh tranh" - bầu Đức nói với ĐHĐCĐ vừa qua, quả quyết vẫn tiếp tục đi trên con đường nông nghiệp như đã chọn những năm về trước.

Tuy nhiên, tâm thế của người thuyền trưởng HAGL có vẻ tích cực hơn. Nhóm Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã chứng khoán: HNG) sau khi chuyển sang cho Thaco Trường Hải, con tàu HAGL đã nhẹ hơn rất nhiều. Sau khi rà soát lại trong mảng nông nghiệp, HAGL chỉ giữ lại hai mảng chủ lực là cây chuối và con heo.

Nếu trước đây, danh sách công ty con, công ty liên kết của HAGL kéo dài tới hơn 50 đơn vị, thì nay, theo bầu Đức, HAGL đã rất gọn gàng, còn 4-5 công ty con. Cấu trúc rất đơn giản, minh bạch hơn ngày xưa rất nhiều.

"Vậy, sau cuộc đại cơ cấu, HAGL còn lại gì"? Dân trí đặt câu hỏi với ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc HAGL. Ông Sơn cho biết, về đất đai, HAGL vẫn còn một diện tích lớn khoảng 10.000 ha ở 3 nước Lào, Việt Nam và Campuchia.

"Trong quá trình đầu tư phát triển thì mục tiêu của anh Đức là sẽ tăng phần này lên" - ông Sơn cho hay. Điều quan trọng là với đà hiện tại doanh thu từ chuối và chăn nuôi - tức là phần sinh lợi của tài sản trên đất, đang tăng trưởng tốt, mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, HAGL dự kiến vẫn sẽ tăng diện tích lên trong tương lai, tại một số nơi đang làm hồ sơ thủ tục.

Về phía bầu Đức, ông cũng nêu quan điểm khá rõ ràng với cổ đông: "Về giá trị đất đai thì theo đánh giá của tôi quan trọng là mình sở hữu bao nhiêu diện tích đất để đủ khả năng quản lý, sinh lời… chứ không cần sở hữu quá nhiều, chỉ cần đất tốt, tỷ lệ sinh lời cao".

Mặc dù vậy, trên góc độ của các cổ đông và nhà đầu tư thì tình trạng lỗ lũy kế 4.000 tỷ đồng như hiện tại của HAGL cùng gánh nặng nợ phải trả ở mức cao, câu hỏi đặt ra là: liệu có lý do gì để nhà đầu tư gắn bó với HAGL, với cổ phiếu HAG?

Chia sẻ với người viết, ông Võ Trường Sơn nhìn nhận, xét ở góc độ đầu tư thì với những công ty có nền tảng tài sản lớn như đất đai, nhà xưởng, lại thêm việc "hưởng lợi từ lạm phát" thì trong thời gian tới, khi lạm phát xảy ra, giá trị của những tài sản này sẽ tăng, tài sản ròng công ty tăng và giá cổ phiếu cũng tăng lên.

Ngoài việc giá cổ phiếu sẽ tăng theo những yếu tố trên thì tâm lý những người có tiền cũng đa dạng hóa tài sản, đầu tư vào những doanh nghiệp có tài sản hữu hình, "hưởng lợi" từ lạm phát để tránh mất giá đồng tiền. Các yếu tố đó sẽ tạo ra lực cầu với cổ phiếu.

Đội bóng Hoàng Anh Gia Lai có thể sẽ IPO?

Hồi đầu năm 2020, bầu Đức từng công bố con số đầu tư cho đội bóng của Hoàng Anh Gia Lai sau 20 năm đã lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

Và trong phiên hội ĐHĐCĐ mới đây, bầu Đức nói với cổ đông rằng, khi công ty mẹ ổn định, HAGL sẽ có kế hoạch thu lại khoản tiền đầu tư 2.000 tỷ đồng trên. Và nếu IPO đội bóng có thể mang lại lợi ích cho công ty thì ông sẽ làm.

Theo bầu Đức, Đội bóng HAGL là linh hồn của công ty là thương hiệu của HAGL mà cả Đông Nam Á đều biết. "Tại sao nói là linh hồn, tại sao thế giới biết đến HAGL, là nhờ bóng đá mà ra" - ông Đức nhận định.

Ông Đức cho biết, chắc chắn HAGL sẽ làm một sản phẩm gì đó mang thương hiệu HAGL, trong đó, riêng với IPO thì có thể ngồi lại bàn bạc cụ thể, nếu thuận lợi HAGL có thể làm ngay.

Đại gia Trịnh Văn Quyết muốn mua một đội bóng Ngoại hạng Anh

Thông tin này khiến công chúng Việt một phen xôn xao trong tuần qua. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Bamboo Airways khi nói về kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế thời gian tới đã chia sẻ:

"Anh là thị trường hàng không quốc tế trọng điểm, Bamboo Airways đang dồn sức cho đường bay này, trong đó có mục tiêu sở hữu một câu lạc bộ ở giải Ngoại hạng Anh để tạo thêm nhiều lợi thế cho hãng".

Có mặt ở Anh hồi tháng 10, ông Quyết bày tỏ sự lạc quan khi chứng kiến nhịp sống đời thường nhộn nhịp đã trở lại tại nước này, các phương tiện giao thông, quán xá, cửa hàng, trung tâm thương mại đông khách. Đặc biệt, xem bóng đá hiện là một trong những loại hình giải trí thể hiện sống động nhất trạng thái "bình thường mới" của xứ sở sương mù.

Được biết, tại Anh, việc các cá nhân hoặc tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài xúc tiến mua lại câu lạc bộ bóng đá là khá phổ biến những năm qua, trong đó Manchester City, Liverpool, Chelsea, Manchester United, Arsenal, Tottenham Hotspur... là những ví dụ tiêu biểu. 

Mai Chi (tổng hợp)