Fica
  1. Doanh nghiệp

Đại gia ngầm lộ diện, "game" mới nhiều bất ngờ ở Vinaconex

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cường Vũ là nhà đầu tư trúng đấu giá toàn bộ lô cổ phần 21,28% vốn Vinaconex do Viettel sở hữu. Tổng cộng An Quý Hưng, Cường Vũ và Star Invest đã chi hơn 10.000 tỷ để mua 87% vốn Vinaconex.

Cường Vũ là nhà đầu tư đã thắng con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô để trúng đấu giá toàn bộ lô hơn 94 triệu cổ phiếu VCG (tương đương 21,28% vốn điều lệ Vinaconex) do Viettel sở hữu sau khi chi ra hơn 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, Vinaconex cũng đã công bố một nhà đầu tư lớn khác là Star Invest chi khoảng 840 tỷ đồng mua lại gần 33,5 triệu cổ phiếu VCG (tương đương 7,57% cổ phần) từ quỹ đầu tư ngoại PYN Elite Fund trong phiên giao dịch ngày 24/12/2018 trên sàn chứng khoán.

Cả Bất động sản Cường Vũ và Đầu tư Star Invest trước đó đều là những nhà đầu tư đã mua hụt trong phiên đấu giá 57,71% cổ phần Vinconex do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu.

Trong thương vụ quyết định - mua 57,71% cổ phần VCG từ SCIC, An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông đã bỏ ra 7.360 tỷ đồng để sở hữu trọn lô số cổ phần này. Mức giá An Quý Hưng mua với giá rất cao: 28.900 đồng/cp, cao hơn nhiều giá khởi điểm 21.300 đồng/cp, vượt xa giá giao dịch trên sàn chứng khoán khi đó là 18.500 đồng/cp.

Đầu tư Star Invest mua phần lớn ở mức giá 25.000 đồng/cp, trong khi Bất động sản Cường Vũ mua với giá sát với giá khởi điểm 21.300 đồng/cp.

Đại gia ngầm lộ diện, game mới nhiều bất ngờ ở Vinaconex - Ảnh 1.

Bất động sản Cường Vũ chi hơn 2.000 tỷ đồng, nắm hơn 21% cổ phần Vinaconex.


Thông qua Viettel, Bất động sản Cường Vũ cử 2 ứng viên tham gia HĐQT gồm ông Nguyễn Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Địa ốc Phú Long và ông Thân Thế Hà - Phó Tổng giám đốc Vinaconex cùng 2 thành viên Ban Kiểm soát là ông Nguyễn Xuân Đại, ông Lê Đình Vinh.Như vậy, hiện 3 cổ đông lớn của Vinaconex bao gồm An Quý Hưng, Cường Vũ và Star Invest nắm giữ tổng cộng 87% vốn. Trong ngày 11/1, Vinaconex sẽ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

Splendora giờ có sự tham gia của 2 đại gia phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam gồm Địa ốc Phú Long và An Quý Hưng.

Giới đầu tư đang chờ cuộc họp 11/1 tới để biết xem nhóm cổ đông đứng đằng sau An Quý Hưng bao gồm những ai và mục đích của họ là gì sau khi chi một lượng tiền lớn nhằm thâu tóm bằng được Vinaconex.

An Quý Hưng được biết đến là một doanh nghiệp xây dựng có lịch sử hoạt động gần 20 năm, ở khu vực ngoại thành Hà Nội do ông Nguyễn Xuân Đông (70% vốn) và vợ là bà Đỗ Thị Thanh sở hữu 100% vốn.

Đại gia ngầm lộ diện, game mới nhiều bất ngờ ở Vinaconex - Ảnh 2.

An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông.

Cũng có ngành nghề giống Vinaconex, nhưng An Quý Hưng có kinh nghiệm thi công nhiều dự án nhà máy cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Nike, sợi Texhong, giày Regis, Piagio Việt Nam, năng lượng Laurel,...

An Quý Hưng cũng thực hiện nhiều dự án bất động sản như: Dự án khu nhà phố thương mại 24h Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Shophouse Gleximco Lê Trọng Tấn,...

Ông Nguyễn Xuân Đông là một doanh nhân kín tiếng cho dù cũng đã xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp nổi tiếng hơn như: Vimeco - VMC (từng sở hữu 30% vốn), trong HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX),...

Doanh nghiệp của ông Nguyễn Xuân Đông cũng từng tham gia gia đấu giá mua cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên (sở hữu khách sạn Kim Liên với vài hecta đất vàng ở vành đai 1 Hà Nội), nhưng thất bại dưới đại gia chịu chơi ThaiGroup của bầu Thụy.

Trong khi đó, Vinaconex là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng nhưng gần đây có xu hướng đi xuống, kết quả kinh doanh sụt giảm, lợi nhuận 9 tháng giảm 40% so với cùng kỳ.

Đại gia ngầm lộ diện, game mới nhiều bất ngờ ở Vinaconex - Ảnh 3.

Tuy vậy, Vinaconex vẫn đang quản lý và sở hữu hàng triệu mét vuông đất tại Hà Nội. Vinaconex bất ngờ trở nên hấp dẫn khi mà cả SCIC và Viettel đồng loạt thoái vốn, bán toán bộ 79% cổ phần. Tập đoàn này hiện sở hữu khu đất hàng triệu m2 tại Khu công nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc, dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) hàng trăm hecta. Bên cạnh đó còn nhiều dự án khác và cả trường Lý Thái Tổ ngay tại khu vực trung tâm Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội,...

Trên thị trường chứng khoán , áp lực bán vẫn còn khá lớn, thanh khoản ở mức thấp. VN-Index lấy lại ngưỡng 880 điểm nhờ nhóm cổ phiếu chủ chốt, sau khi đã mất tổng cộng 9,3% trong cả năm 2018.

Một số blue-chíp trong đó có nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trở lại đã giúp thị trường ngừng giảm điểm. Các mã tăng điểm bao gồm: Vietibank, MBBank, ACB, HPG, Vinhomes, Petrolimex, Thế Giới Di Động,...

Một số công ty chứng khoán có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho rằng, VN-Index đã tăng trở lại nhưng chưa thể khẳng định xu hướng sẽ thay đổi trong ngắn và trung hạn. Nhà đầu tư nên thận trọng và chờ lực mua được kiểm chứng bởi rủi ro chỉ số giảm trở lại vẫn có thể xảy ra.

Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định phiên hồi phục cuối tuần giúp VN-Index lấy lại 880 điểm, dù vậy trạng thái mong manh chưa xác nhận cho xu thế hồi phục ngắn hạn. Trong tuần mới, cuộc đàm phán Mỹ - Trung sẽ diễn ra cụ thể hóa cam kết của 2 nguyên thủ vào đầu tháng 12. Những thông tin khả dĩ từ cuộc họp này mới có thể đủ mạnh để kéo thị trường khỏi trạng thái bi quan hiện tại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/1, VN-Index tăng 2,68 điểm lên 880,9 điểm; HNX-Index tăng 0,32 điểm lên 100,85 điểm. Upcom-Index tăng 0,02 điểm lên 52,19 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 170 triệu đơn vị, trị giá 3,2 ngàn tỷ đồng.

 

Theo V. Hà

VietnamNet

 

Đại gia ngầm lộ diện, game mới nhiều bất ngờ ở Vinaconex - Ảnh 4.