Fica
  1. Doanh nghiệp

Đại gia Lê Phước Vũ có thực sự đã xuất gia?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Dân trí Theo thông tin được Tập đoàn Hoa Sen dẫn lại thì ông Lê Phước Vũ mới chỉ làm nghi thức xuất gia tượng trưng và phải 8 năm sau mới chính thức xuất gia sau khi đã giải quyết ổn thoả công việc.

Trong bối cảnh thị trường giao dịch lình xình, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen sáng nay (20/7) cũng loanh quanh ngưỡng tham chiếu, đứng giá 11.550 đồng/cổ phiếu.

Liên quan đến thông tin ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị HSG quy y tam bảo tại Chùa Viên Minh (Hà Nội) ngày 9/7/2020, hiện tập đoàn này vẫn chưa có thông tin phản hồi chính thức, song có dẫn thông tin từ trang web nguoiphattu để “lên tiếng” về “sự thật” của sự kiện này.

Theo đó, tại Tổ đình Viên Minh, ông Lê Phước Vũ đã đảnh lễ tác bạch xin Đức Pháp chủ chứng minh, làm phép xuất gia (tức nghi thức xuất gia tượng trưng) cho ông và cho phép ông 8 năm sau, sau khi giải quyết ổn thoả công việc của Tập đoàn Hoa Sen mới chính thức thế phát xuất gia được.

Đại gia Lê Phước Vũ có thực sự đã xuất gia? - 1

Ông Lê Phước Vũ

Dẫn thông tin từ Đại đức Thích Như Kiên, trang này cho hay, năm 2011, ông Lê Phước Vũ khởi công xây dựng dự án Đại tùng lâm Hoa Sen (tên chính thức được cấp phép là dự án “Trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và văn hoá tâm linh B’ Nom Lunu – Hoa Sen”). Đại tùng lâm Hoa Sen tọa lạc tại xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, có tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng trên diện tích gần 600 ha. Dự án này đến nay vẫn chưa hoàn thành sau gần 10 năm.

Như vậy, việc ông chủ Hoa Sen có tâm nguyện “buông” để xuất gia là có thật nhưng trách nhiệm với tập đoàn vẫn còn nên ông Vũ chưa thể “quẳng gánh lo”. Vì vậy, ông Vũ mới xin Đức Pháp chủ cho phép 8 năm sau được chính thức xuất gia.

Với thanh khoản không có sự cải thiện đáng kể, phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán đã gặp khó. VN-Index mất 7,06 điểm tương ứng 0,81% còn 864,96 điểm; HNX-Index mất 1,29 điểm tương ứng 1,1% còn 115,53 điểm và UPCoM-Index giảm 0,43 điểm tương ứng 0,75% còn 57,13 điểm.

Thanh khoản đạt 146,47 triệu cổ phiếu tương ứng 2.298,17 tỷ đồng trên HSX và 19,58 triệu cổ phiếu tương ứng 184,88 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 6,83 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 95,2 tỷ đồng.

Sắc đỏ đang chiếm ưu thế trong bức tranh chung của thị trường: Có tới 430 mã giảm, 32 mã giảm sàn trong số 188 mã tăng, 16 mã tăng trần.

Không một mã nào trong rổ VN30 tăng giá, tới 29 mã trong rổ chỉ số này bị sụt giảm. Theo đó, VN30-Index cũng đánh mất 7,03 điểm tương ứng 0,86% còn 807,13 điểm.

Trong số này, VJC giảm 1.700 đồng còn 107.300 đồng/cổ phiếu; VNM giảm 900 đồng còn 115.900 đồng/cổ phiếu, BVH, VCB, VIC, VHM, BID, MSN… cũng đều giảm giá.

Điều này đã gây áp lực không nhỏ lên diễn biến của chỉ số chung. Theo đó, VCB, BID, VIC và VHM là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index.

Ở chiều ngược lại, DBC của Dabaco đang tăng giá 700 đồng lên 50.700 đồng và trong phiên có lúc đã được giao dịch ở mức giá 51.500 đồng/cổ phiếu. Một số mã khác như GTN, ITA, BHN, KBC, SCS, SZC cũng có tác động tích cực lên VN-Index nhưng sức tác động là không lớn.

Về triển vọng chứng khoán của tuần này, các chuyên gia từ MBS vẫn bảo lưu quan điểm với kịch bản tích cực là thị trường có thể hồi phục lên mức 900 - 910 điểm.

Mặc dù vậy, thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật khi tiếp cận vùng cản 880-885 điểm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao được khuyên có thể tranh thủ các nhịp thị trường điều chỉnh để thực hiện mua tăng tỷ trọng, tập trung vào nhóm cổ phiếu dự báo có kết quả kinh doanh quý 2 tích cực và quan sát diễn biến thị trường để có hành động phù hợp.

Trong khi đó, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

Mai Chi