Fica
  1. Doanh nghiệp

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Có hiện tượng cán bộ thuế hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế

Đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, hiện tượng cán bộ ngành thuế, vốn ăn lương Nhà nước, hưởng lương một phần từ nguồn thuế của dân và doanh nghiệp, nhưng lại cố tình đi tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế đã xảy ra hàng chục năm nay.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Sáng nay (12/11), thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, khi tiếp xúc với doanh nghiệp, ông thấy rằng, có hai hiện tượng là: tình trạng doanh nghiệp trốn thuế, nợ thuế, kéo dài dai dẳng, làm thất thu ngân sách; thứ hai là hiện tượng cán bộ thuế có khi lại tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp làm sao trốn thuế.

"Hiện tượng tư vấn cho doanh nghiệp trốn thuế, có cả chục năm nay. Khi có hiện tượng xảy ra, họ kêu gào than phiền về hiện tượng nhũng nhiễu. Ở dưới còn nhiêu khê, doanh nghiệp than là đúng. Có hiện tượng cố tình nhũng nhiễu để chung chi, lót tay. Hiện tượng đó trong lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung và một số ngành, trong đó có thuế là có", ông Nghĩa nói.

Nhưng ngược lại, theo ông Nghĩa, có hiện tượng cán bộ thuế hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế thì doanh nghiệp đâu có kêu, vì doanh nghiệp có lợi, chỉ có nhà nước là thiệt.

"Đáng buồn hơn là việc cán bộ ngành thuế, vốn ăn lương Nhà nước, hưởng lương một phần từ nguồn thuế của dân và doanh nghiệp, nhưng lại cố tình đi tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế, điều này đã xảy ra hàng chục năm nay", ông nói.

Theo ông Nghĩa, hiện nay trong Luật Quản lý thuế có nói về quyền và nghĩa vụ của người đóng thuế, quyền và nghĩa vụ của cơ quan thuế. Nghĩa vụ của trưởng đoàn thanh tra thuế và cán bộ thanh tra thuế có nhưng không có điều chung về nghĩa vụ của cán bộ thuế.

"Tôi đề nghị đưa vào quyền và nghĩa vụ của cán bộ ngành thuế, cần phải nói cho rõ họ có trách nhiệm gì, quyền lợi gì, nếu làm sai thì bị xử lý như thế nào chứ không chỉ nói chung chung là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân....", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vị đại biểu cho rằng, cán bộ ngành thuế có nghĩa vụ tận tâm hướng dẫn cho doanh nghiệp nộp thuế nhanh chóng, tiện lợi, đầy đủ, để người ta làm tròn nghĩa vụ của người ta. Vì nhiều doanh nghiệp chỉ mong muốn hoàn thành nghĩa vụ của mình một cách tiện lợi, đỡ mất thời gian.

"Đặc biệt nhóm FDI mà tôi biết. Những người này lót tay vài ba trăm ngàn họ cũng không thể chấp nhận được vì luật của họ, họ vẫn phải tuân thủ luật của nước họ và luật này tuyệt đối cấm hối lộ. Họ nói, chẳng thà anh bảo tôi đóng thêm một cái gì chính thức có hoá đơn tôi sẵn sàng đóng, chi phí hải quan, chi phí thuế gì đó tôi sẵn sàng đóng nhưng bắt tôi đưa phong bì, dưới gầm bàn cho nhanh chóng, dễ dàng thì họ không làm được", ông Nghĩa dẫn chứng.

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quản lý thuế, một số đại biểu Quốc hội đều chỉ ra rằng, nhiều nội dung cụ thể về quản lý thuế tại các điều, mục trong dự thảo Luật đang thiếu sự nhất quán.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, để nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hơn về nội dung liên quan về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử để đảm bảo quản lý chặt chẽ, không bỏ sót. Trong đó, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bộ, ngành ngay trong luật đối với nội dung này.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc ấn định thuế, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, dự thảo chỉ nêu trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc ấn định số thuế lớn hơn số thuế phải nộp thì cơ quan quản lý thuế phải hoàn lại số tiền nộp thuế thừa và bồi thường thiệt hại, song chưa quy định trường hợp số thuế ấn định nhỏ hơn số thuế phải nộp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần bổ sung trường hợp này trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), cho rằng về giao dịch điện tử cần chặt chẽ hơn để đảm bảo việc thực hiện đồng bộ, nhất quán.

Phương Dung