Fica
  1. Doanh nghiệp

“Đại án” Alibaba: Chính quyền làm ngơ, cán bộ tiếp tay cho lừa đảo?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

“Vụ Alibaba lừa dân bán bất động sản ảo, diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn, số thiệt hại rất lớn mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn ngơ ngác “thúc thủ” như chưa hề có chuyện gì nghiêm trọng cho đến khi người dân và dư luận lên tiếng.” - Đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Sáng nay (31/10), một số đại biểu Quốc hội bức xúc khi đề cập tới vụ công ty địa ốc Alibaba lừa đảo kéo dài nhiều năm, ở nhiều địa phương.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): Vụ Alibaba lừa dân bán bất động sản ảo, diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn, số thiệt hại rất lớn, mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn ngơ ngác thúc thủ như chưa hề có chuyện gì nghiêm trọng cho đến khi người dân và dư luận lên tiếng.

“Đây là một trong những điểm tối đang làm xấu đi bức tranh sáng sủa của những thành tựu tích cực mà Chính phủ cùng người dân dày công phấn đấu.” - đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ băn khoăn.

“Đại án” Alibaba: Chính quyền làm ngơ, cán bộ tiếp tay cho lừa đảo? - 1

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai)

Cán bộ công quyền tiếp tay cho dự án “ma” lừa đảo? Câu hỏi này được Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đặt ra khi nói về vụ “đại án” Alibaba.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang), thời gian qua một số địa phương trong cả nước xảy ra nhiều vụ sai phạm tại các công trình xây dựng, các dự án lớn liên quan đến đất đai. Như chưa được cấp phép, chưa được phê duyệt, nhưng chủ đầu tư vẫn hợp đồng mua bán với người dân công khai.

Nữ đại biểu đoàn Hậu Giang nhấn mạnh: “Cử tri đặt vấn đề có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của cán bộ công quyền cho các dự án ma, dự án xây dựng đồ sộ, trái pháp luật tồn tại trong thời gian quá?”

Bà Nguyễn Thanh Thủy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách hiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm ở địa phương.

Đồng quan điểm nói trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) khẳng định: Đó là công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, nhưng chỉ khi vụ việc được phát hiện, được phản ánh hoặc xảy ra sự cố làm thiệt hại về người và tài sản thì mới được quan tâm, tuyên truyền, mới được để ý và tăng cường biện pháp quản lý. Chính quyền phải chạy theo để xử lý.

“Tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đang được tái hiện nhiều trên lĩnh vực, nhất là vấn đề quản lý xây dựng cơ bản, quản lý đất đai. Cử tri hết sức băn khoăn. Tại sao vi phạm của Công ty Alibaba đã kéo dài trong 3 năm, diễn ra trên 3 tỉnh thành với hơn 6.000 người có liên quan mới được xử lý?” - ông Hiền bức xúc. 

“Đại án” Alibaba: Chính quyền làm ngơ, cán bộ tiếp tay cho lừa đảo? - 2

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền

Đại biểu này cũng đề cập tới vụ cháy tại Nhà máy Phích nước Rạng Đông ở Hà Nội với sự báo động về thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường. Việc này được ví như đưa “các quả bom nổ chậm” ra khỏi khu vực dân cư nhưng chưa được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc.

“Những vụ việc đó đã bộc lộ công tác quản lý nhà nước của chúng ta còn nhiều thiếu sót, nhiều lỗ hổng, còn buông lỏng và thậm chí thiếu trách nhiệm, yếu kém nhưng việc làm rõ để quy trách nhiệm để xử lý, để siết chặt kỷ cương, kỷ luật chưa được quan tâm đúng mức” – ông Hiền nói.

Đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Chính phủ cần phải có các biện pháp để chấn chỉnh, để khắc phục kịp thời, đừng để người dân phải chịu hậu quả về sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chúng ta trong thực thi nhiệm vụ.

Châu Như Quỳnh

Tin liên quan