Fica
  1. Doanh nghiệp

Công ty của Chủ tịch Vũ Hiền đăng ký bán toàn bộ hơn 3,2 triệu cổ phiếu IPA

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cổ phiếu CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (mã chứng khoán IPA - sàn HNX) giao dịch thấp hơn 76,6% từ đỉnh, Công ty của Chủ tịch Vũ Hiền vẫn đăng ký bán ra toàn bộ cổ phiếu.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV quản lý quỹ đầu tư chứng khoán IPA đăng ký thoái toàn bộ 3.209.280 cổ phiếu IPA để giảm sở hữu từ 1,5% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 7/12/2022 đến ngày 5/1/2023.

Được biết, Công ty TNHH MTV quản lý quỹ đầu tư chứng khoán IPA là tổ chức liên quan ông Vũ Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư I.P.A.

Bối cảnh Công ty của Chủ tịch đăng ký bán, cổ phiếu IPA vừa trải qua chuỗi giảm điểm. Cụ thể, từ ngày 24/11/2021 đến ngày 15/11/2022, cổ phiếu IPA giảm 86,7% từ 61.040 đồng về 8.100 đồng/cổ phiếu, sau đó cổ phiếu hồi phục, tính tới ngày 5/12/2022, cổ phiếu IPA đang giao dịch vùng 14.300 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, với giá 14.300 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu IPA vẫn đang giao dịch thấp hơn 76,6% từ đỉnh ngày 24/11/2021 và cao hơn 76,5% từ đáy ngày 15/11/2022.

9 tháng đầu năm ghi nhận lợi nhuận đạt 320,96 tỷ đồng, giảm 77,1%

Trong quý III/2022, Tập đoàn Đầu tư I.P.A ghi nhận doanh thu đạt 70,78 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 140,35 tỷ đồng, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 47,6% lên 48%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 13,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 4,07 tỷ đồng lên 33,95 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 6,6%, tương ứng tăng thêm 6,02 tỷ đồng lên 97 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 77,9%, tương ứng giảm 39,11 tỷ đồng về 89,32 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết giảm 12%, tương ứng giảm 16,02 tỷ đồng về 117,46 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 72,9%, tương ứng tăng thêm 7,3 tỷ đồng lên 17,31 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm, nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng và đặc biệt là hụt lãi từ công ty liên doanh, liên kết so với cùng kỳ.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Đầu tư I.P.A ghi nhận doanh thu đạt 220,95 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 320,96 tỷ đồng, giảm 77,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, Tập đoàn Đầu tư IPA đặt kế hoạch doanh thu 1.680 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng. Như vậy, với lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 329,19 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành được 36,6% kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch lãi 900 tỷ đồng.

Dòng tiền âm kỷ lục từ năm 2006 tới nay

Không những kinh doanh lao dốc, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính của Tập đoàn Đầu tư I.P.A còn ghi nhận âm tới 1.320,4 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 61,8 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 975,3 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 280,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Được biết, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2006 đến năm 2021, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Đầu tư I.P.A âm quá 1.320,4 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2010 khi ghi nhận âm 884,47 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Tập đoàn Đầu tư I.P.A tăng 11,1% so với đầu năm lên 9.338,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn đạt 4.556 tỷ đồng, chiếm 48,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.384,9 tỷ đồng, chiếm 25,5% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.332 tỷ đồng, chiếm 14,3% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, chứng khoán kinh doanh tăng thêm 1.278,6 tỷ đồng so với đầu năm lên 1.279,6 tỷ đồng (đầu năm 1 tỷ đồng); các khoản phải thu ngắn hạn giảm 40,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.650,7 tỷ đồng về 2.384,9 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn tăng 43,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.383,9 tỷ đồng lên 4.556 tỷ đồng.

Công ty có thuyết minh chứng khoán kinh doanh tăng chủ yếu do đầu tư trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Trong đó, chủ yếu 307,6 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM; 102,6 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng TMCP Quân Đội; và 50,4 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Đối với đầu tư tài chính dài hạn, giá trị tăng chủ yếu Công ty góp thêm vốn từ 2.343,9 tỷ đồng lên 3.685,6 tỷ đồng vào CTCP Chứng khoán VNDirect (mã VND) nhưng vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu là 25,84% vốn điều lệ thông qua thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm tỷ lệ 1:1, giá mua thêm là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, tính tới cuối quý III, Công ty đang sở hữu 10,91% vốn tại CTCP Bất động sản Thế kỷ, tương ứng giá trị đầu tư 928,4 tỷ đồng, giá hợp lý khoản đầu tư là 733,7 tỷ đồng, tương ứng trích lập dự phòng 194,7 tỷ đồng khi đầu tư vào CTCP Bất động sản Thế kỷ.

Trong các khoản phải thu ngắn hạn, Công ty thuyết minh phải thu các khoản cho vay ngắn hạn giảm giảm chủ yếu từ 3.728,3 tỷ đồng về 1.967,2 tỷ đồng, tức giảm 1.761,1 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm liên quan tới CTCP Dịch vụ và Đầu tư Trustlink.

Theo tìm hiểu, Trustlink được thành lập năm 2009, người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Hiền, hoạt động chính là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại. Ngoài ra, giấy phép kinh doanh còn có thêm lĩnh vực hoạt động dịch vụ hỗ trợ thanh toán, tín dụng, hoạt động cấp tín dụng khác.

Do chưa niêm yết, nên các thông tin về Trustlink còn hạn chế, nhưng dễ nhận thấy hoạt động đầu tư và cho vay ở các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, tính tới ngày 30/6/2022, Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ có dư nợ 950 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 10,5 - 11%/năm. Trong đó, tài sản đảm bảo là toàn bộ chứng khoán và tiền trên tài khoản cá nhân trong Ban lãnh đạo mở tại VNDirect, toàn bộ các quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty phát sinh từ hợp đồng vay vốn giữa Công ty và Trustlink.

Trước đó, năm 2019, Trustlink cho Hoàng Anh Gia Lai vay 93,3 tỷ đồng, lãi suất 14%, tài sản bảo đảm là 13,75 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của Hưng Thắng Lợi. Tính tới ngày 30/6/2020, Trustlink cho Công ty cổ phần Kho vận Miền Nam vay 139,7 tỷ đồng, lãi suất 13,5%/năm, tài sản bảo đảm là 3,75 triệu cổ phiếu của Công ty PDN. Tháng 9/2021, Golden Gate phê duyệt khoản vay 70 tỷ đồng từ Trustlink, lãi suất 12%/năm, kỳ hạn 1 tháng.

Ở một diễn biến khác, trong tháng 5/2022, I.P.A thông qua kế hoạch nhận chuyển nhượng Trustlink từ các cổ đông hiện hữu, tỷ lệ sở hữu có thể đến 99% vốn điều lệ. Nếu giao dịch thành công, I.P.A sẽ thành công ty mẹ của Trustlink.

Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 6,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 286,1 tỷ đồng lên 4.587,9 tỷ đồng và chiếm tới 49,1% tổng nguồn vốn.

Trong cơ cấu nợ vay, Công ty đang có sử dụng 4.498,9 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Trong đó, 3.299,7 tỷ đồng trái phiếu do Công ty phát hành và còn lại 1.199,2 tỷ đồng do CTCP Năng lượng Bắc Hà (đơn vị thành viên của Tập đoàn Đầu I.P.A) phát hành.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/12, cổ phiếu IPA giảm 200 đồng về 14.300 đồng/cổ phiếu.

Theo Duy Bắc

Báo Đầu Tư