Trong thời gian điều hành công ty “sân sau” của ông Trần Bắc Hà là Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (viết tắt là Công ty Bình Hà), Tùng đã chỉ đạo ba cổ đông của công ty này chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng như thế nào (?)
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, từ tháng 10/2015 đến tháng 12/2017, Công ty Bình Hà đã vay của ngân hàng hơn 1.377 tỷ đồng để nhập hơn 44 nghìn con bò từ Australia với ba đối tác và hai công ty của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là Công ty cổ phần Bò sữa Tây Nguyên và Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai.
Tháng 1/2019, Công ty Bình Hà đã xuất bán 41.819 con bò; số bò chết và tiêu huỷ là 1.340 con và bò còn tồn lại 1.096 con. Việc bán bò được Công ty Bình Hà thực hiện chủ yếu qua hai công ty môi giới là Công ty Hantechco, Công ty Vĩnh Phát và các lò mổ bò với tổng doanh thu bán bò là hơn 1.344 tỷ đồng.
Tiền bán bò đã thu về và nộp vào tài khoản cùa Công ty Bình Hà là hơn 1.306 tỷ đồng. Số tiền còn lại do các lò mổ bò còn nợ và tiền bán bò chưa thu được theo hoá đơn đã xuất bán.
Bị can Trần Duy Tùng.
Công ty Bình Hà do ông Nguyễn Gia Thiều, SN 1965, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Nhưng thực chất, chức danh của ông Thiều chỉ là “bình phong” cho mọi hoạt động phía của Trần Duy Tùng. Bởi Tùng là người nhờ ông Thiều đứng danh nghĩa này ở Công ty Bình Hà giúp mình, chứ ông Thiều không được tham gia hoặc quyết định bất cứ việc gì ở công ty này.
Công ty Bình Hà có ba cổ đông gồm: Đinh Văn Dũng (SN 1965, Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, giai đoạn từ tháng 4-2015 đến tháng 9-2016) đã bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015) và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS năm 2015).
Trần Anh Quang (SN 1982, Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, từ tháng 10-2016 đến nay) đã bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam T16 Bộ Công an. Thái Thành Vinh (SN 1985, cổ đông tại Công ty Bình Hà) đã bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đã bỏ trốn, hiện đang bị truy nã quốc tế.
Cơ quan điều tra xác định, ba cổ đông của Công ty Bình Hà đã thu tiền bán bò từ hai công ty môi giới và các lò mổ bò với tổng số tiền hơn 146 tỷ đồng. Và đúng ra phải nộp số tiền trên vào tài khoản của Công ty Bình Hà tại ngân hàng để ngân hàng kiểm soát và thu hồi vốn theo quy định, thì ba cổ đông này đã thực hiện theo chỉ đạo của Trần Duy Tùng chiếm dụng số tiền trên để góp vốn điều lệ với Công ty Bình Hà và sử dụng vào mục đích cá nhân.
Đại diện Công ty Bình Hà xác nhận, để nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 200 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng, Trần Duy Tùng đã chỉ đạo các cổ đông chiếm dụng tiền bán bò như trên để góp vốn điều lệ vào công ty.
Nhằm che giấu và hợp thức hoá hành vi trên và đối phó với sức ép thu hồi nợ từ ngân hàng, Tùng đã sử dụng Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú do mình làm Chủ tịch HĐQT ký hợp đồng môi giới bán bò với Công ty Bình Hà, qua đó ghi nợ số tiền trên cho Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú. Ngoài ra, từ tháng 1/2017 đến tháng 10/2017, vì ngân hàng dừng giải ngân do Công ty Bình Hà làm ăn thua lỗ nên Tùng đã chỉ đạo Quang chiếm đoạt số tiền hơn 18,5 tỷ đồng thu được từ tiền bán bò.
Theo lời khai của ông Nguyễn Gia Thiều, Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà, việc bán bò chủ yếu thông qua hai công ty môi giới là Công ty Vĩnh Phát, Công ty Hatechco và bán trực tiếp cho các lò mổ. Tiền thu được từ việc bán bò do Dũng và Quang điều hành theo chỉ đạo và thống nhất với Tùng.
Mặc dù Quang có tên cổ đông trong Công ty Bình Hà từ khi mới thành lập, nhưng khoảng tháng 4/2016, Quang mới chính thức biết về công ty này khi Tùng gọi điện và nhờ Quang ra Hà Tĩnh để theo dõi và quản lý việc bán bò giúp Tùng. Đến tháng 10/2016, Quang chính thức được Tùng đưa lên chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà cho đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam.
Quang khai, đã mở tài khoản tại hai ngân hàng để nhận và sử dụng tiền từ hai công ty môi giới là Công ty Vĩnh Phát, Công ty Hatechco và các lò mổ của Công ty Bình Hà. Số tiền nhận được từ hai công ty môi giới và các lò mổ chuyển cho Quang vào ngân hàng, Quang sử dụng theo chỉ đạo của Tùng.
Trong tổng số tiền bán bò của Công ty Bình Hà, Quang trực tiếp nhận hơn 123 tỷ đồng, sau đó sử dụng hơn 108 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Bình Hà dưới danh nghĩa cá nhân. Số tiền còn lại hơn 15 tỷ đồng, Quang sử dụng vào mục đích cá nhân.
Kết quả điều tra xác định, trong thời gian giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, Đinh Văn Dũng đã ký xác nhận và chữ ký trên các chứng từ nhận và sử dụng tiền do công ty môi giới bán bò là Công ty Hantechco thanh toán tiền bán bò với số tiền 11 tỷ đồng. Trong đó, 6 tỷ đồng được chuyển trực tiếp vào tài khoản của Dũng; 5 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của Công ty Bình Hà.
Toàn bộ số tiền này, Dũng sử dụng để góp vốn vào Công ty Bình Hà với tư cách cá nhân. Đối với Thái Thành Vinh, dù đứng tên cổ đông tại Công ty Bình Hà hộ Tùng, nhưng đã có hành vi nhận và chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng là tiền bán bò. Trong số tiền này, Vinh sử dụng 7,5 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Bình Hà với danh nghĩa cá nhân. Số tiền còn lại gần 7,8 tỷ đồng, Vinh sử dụng vào mục đích khác.
Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan điều tra xác định, Trần Duy Tùng dù không tham gia hoặc đứng tên cổ đông trong Công ty Bình Hà, nhưng chỉ sau ông Trần Bắc Hà thì Tùng là “chủ” thứ hai của công ty này khi trực tiếp điều hàng và chỉ đạo mọi hoạt động của công ty. Tùng được xác định giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc chiếm đoạt số tiền bán bò như trên.
Giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, Tùng phải chịu trách nhiệm toàn bộ về tổng số tiền gần 150 tỷ đồng đã chiếm đoạt từ tiền bán bò và một số cổ đông sử dụng cá nhân theo chỉ đạo của Tùng.
Theo Nguyễn Hưng
Công an nhân dân