Apple được biết đến là một trong những công ty có văn hóa làm việc đề cao sự bí mật, nơi người lao động sẽ phải tuân theo sự quản lý của ban lãnh đạo và chấp nhận giữ kín mọi bí mật trong nội bộ của công ty. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Apple đang phải đối mặt một vấn đề tưởng chừng như không bao giờ xảy ra tại công ty này: tình trạng bất ổn trong nội bộ của công ty.
Vào cuối tuần trước, CEO Tim Cook của Apple đã có một cuộc họp với toàn thể nhân viên, lần đầu tiên kể từ khi xuất hiện những tình trạng bất ổn trong nội bộ và nhiều nhân viên lên tiếng "bóc phốt" về môi trường làm việc của công ty.
Tại cuộc họp được phát sóng trực tuyến cho toàn thể nhân viên Apple trên toàn cầu, dù nhận được nhiều câu hỏi, CEO Tim Cook chỉ trả lời 2 câu hỏi. Với câu hỏi về việc trả lương công bằng, CEO Tim Cook và Deirdre O'Brien, Giám đốc nhân sự của Apple, cho biết công ty thường xuyên xem xét kỹ lưỡng các phương thức trả lương của mình để đảm bảo rằng họ trả lương cho nhân viên một cách công bằng.
"Khi chúng tôi tìm thấy bất kỳ khoảng cách nào về việc trả lương, mà đôi khi nó tồn tại, chúng tôi sẽ đóng chúng lại", bà Deirdre O'Brien cho biết tại cuộc họp.
Khi được hỏi về việc Apple đang làm gì để bảo vệ nhân viên của mình khỏi luật cấm phá thai hà khắc tại bang Texas, vừa chính thức có hiệu lực vào hôm 1/9 vừa qua, CEO Tim Cook cho biết công ty đang xem xét liệu họ có thể hỗ trợ cuộc chiến pháp lý chống lại luật mới này hay không và bảo hiểm y tế của Apple sẽ hỗ trợ thanh toán cho nhân viên công ty sống tại Texas nếu họ phải đến một tiểu bang khác để phá thai.
Janneke Parrish, quản lý chương trình phát triển dịch vụ Apple Maps và là một người hoạt động bảo vệ cho quyền lợi nhân viên của Apple, cho biết những câu trả lời của CEO Tim Cook nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ nhân viên của công ty. Một số nhân viên đã ủng hộ ông Cook, trong khi những người khác, bao gồm cả Parrish, cảm thấy thất vọng.
Parrish cho biết cô đã gửi câu hỏi về những bước cụ thể mà Apple đã thực hiện để đảm bảo rằng chênh lệch về tiền lương sẽ được giải quyết và ngày càng nhiều phụ nữ và người da màu được đề bạt vào các vai trò lãnh đạo của Apple.
"Với những câu trả lời mà Tim Cook đưa ra ngày hôm nay, rõ ràng chúng tôi đã không được lắng nghe", cô Parrish cho biết.
Cách đây không lâu, một nhóm với tên gọi "Apple Too", tự xưng là đại diện cho các nhân viên của Apple, đang kêu gọi những nhân viên đã và đang làm việc cho "Quả táo" chia sẻ những câu chuyện bất công, những hành động quấy rối mà họ phải chịu đựng khi làm việc cho Apple.
Trong hơn một tháng qua, phong trào này đã thu hút hơn 500 người đã và đang làm việc tại Apple, bao gồm cả những người giữ vai trò lãnh đạo tại "quả táo".
Nhiều nhân viên của Apple đang tìm cách lên tiếng về những mặt trái và các vấn đề bất công khi họ làm việc tại công ty (Ảnh minh họa).
Apple Too đã lập một trang web và tài khoản Twitter riêng để chia sẻ những câu chuyện về các vấn đề mà nhân viên của Apple phải đối mặt dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng không thể giải quyết được vì "văn hóa giữ bí mật" của Apple đang cố gắng ngăn chặn vấn đề bị lọt ra bên ngoài. Nhóm này đã khuyến khích các đồng nghiệp liên hệ với cơ quan chức năng tại các tiểu bang để giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải khi làm việc tại Apple.
Một vấn đề mà nhiều nhân viên Apple lên tiếng chỉ trích đó là "văn hóa bí mật" của công ty đã khiến nhân viên không thể nói ra những lo lắng và vấn đề gặp phải tại nơi làm việc. Nhiều nhân viên cho biết khi phản ánh vấn đề với người quản lý, nhiều người đã bị sa thải.
"Apple có một văn hóa bí mật thực sự độc hại", Christine Dehus, người làm việc tại Apple trong vòng 5 năm và mới nghỉ việc vào tháng 8 vừa qua. "Một mặt, tôi hiểu bí mật rất quan trọng đối với việc bảo mật các sản phẩm, để tạo sự ngạc nhiên và thích thú cho khách hàng. Nhưng nếu điều này tràn sang các lĩnh vực khác nó tạo nên một văn hóa độc hại và gây nhiều tổn hại".
Một trong những thành viên của nhóm Apple Too là Cher Scarlett, một kỹ sư phần mềm của Apple, người gần đây đã thực hiện một cuộc khảo sát để kiểm tra sự khác biệt về thu nhập phụ thuộc vào giới tính và xuất thân khác nhau. Trước đó, hai cuộc khảo sát về vấn đề tương tự để kiểm tra sự bất bình đẳng về thu nhập tại Apple đã bị công ty yêu cầu chấm dứt.
Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Ashley Gjøvik là một nữ kỹ sư quản lý dự án từng nhiều lần lên mạng xã hội phàn nàn về môi trường làm việc ở Apple, đã bị công ty cho thôi việc. Ashley Gjøvik đã từng nhiều lần nêu lên vấn đề phân biệt giới tính ở Apple nhiều năm qua, từ chuyện quấy rối tình dục đến trả đũa cá nhân...
Apple hiện có khoảng 160.000 nhân viên trên khắp thế giới và không rõ những lời khiếu nại công khai phản ánh vấn đề mang tính hệ thống của cả công ty, hay chỉ là một vấn đề riêng biệt của một bộ phận nhân viên.
"Chúng tôi đã và luôn cam kết sâu sắc trong việc tạo ra và duy trì một nơi làm việc tích cực và hòa nhập", Apple cho biết trong một thông cáo đưa ra. "Chúng tôi xem xét tất cả các mối bận tâm một cách nghiêm túc và chúng tôi điều tra kỹ lưỡng bất cứ khi nào mối bận tâm được nêu ra. Và vì tôn trọng quyền riêng tư của bất kỳ cá nhân nào có liên quan, chúng tôi không thảo luận về các vấn đề cụ thể của nhân viên".
Ngoài Apple, nhiều hãng công nghệ lớn khác như Amazon, Google, Facebook, Microsoft… cũng đang phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích từ chính các nhân viên của mình về môi trường làm việc, bao gồm nạn quấy rối và phân biệt giới tính, chủng tộc… hay phản đối các chính sách hợp tác với chính phủ Mỹ của công ty. Trong một số trường hợp, ban lãnh đạo các công ty đã nhân nhượng những nhóm đại diện nhân viên này, nhưng một vài trường hợp khác, các tổ chức này đã bị các công ty tìm cách trả đũa hoặc bị "dập tắt".
" Văn hóa giữ bí mật" là di sản để lại Apple từ thời cố CEO Steve Jobs.
Tuy nhiên, điều khác biệt của Apple với các hãng công nghệ khác chính là "văn hóa giữ bí mật". Đây chính là văn hóa của Apple từng được xây dựng dưới thời CEO Steve Jobs, khi ông luôn ám ảnh việc sản phẩm của công ty bị rò rỉ ra bên ngoài và bị công ty khác sao chép, chính vì vậy Jobs đã ép buộc một cách cực đoan các nhân viên luôn phải giữ bí mật bên trong nội bộ của công ty. "Văn hóa bí mật" vẫn tồn tại ở Apple cho đến ngày nay, dưới thời Tim Cook, và dường như các nhân viên của Apple đang muốn tìm cách thay đổi điều này.
T.Thủy
Theo NYT/DTrends