Đó là quan điểm của PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) khi trao đổi với Dân trí xung quanh vấn đề doanh nghiệp cần làm gì khi mở cửa trở lại nền kinh tế.
Cụ thể, ông Lợi cho rằng, việc mở cửa lại nền kinh tế rất cần có lộ trình rõ ràng. Đặc biệt, chúng ta cần nhất quán quan điểm chống dịch và nới lỏng quyền tự chủ cho doanh nghiệp, lực lượng y tế tư nhân về quyết định chống dịch theo bộ tiêu chí Nhà nước quy định thay vì can thiệp trực tiếp như hiện nay.
PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân. |
- Mới đây, nhiều hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng về chiến lược khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn trong tình hình mới. Theo đó, doanh nghiệp mong muốn có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại. Ông đánh giá sao về kiến nghị này?
Theo tôi, không chỉ hiệp hội các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam mà còn có nhiều hiệp hội và nghiệp đoàn đã kiến nghị tới Thủ tướng và các cơ quan chức năng đề nghị rất nhiều vấn đề cấp thiết từ việc miễn giảm thuế phí tới tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi. Điều đó chứng tỏ các DN đã hết ngưỡng chịu đựng và đứng trước ngưỡng cửa của những quyết định sống còn là tiếp tục kinh doanh hay dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy.
Một số doanh nghiệp FDI đã chuyển khoảng 20% đơn hàng sang các nơi khác sản xuất do các quyết định giãn cách xã hội đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng của họ. Vì vậy, DN rất cần lộ trình cam kết rõ ràng của Chính phủ về việc mở cửa trở lại để tiếp tục hoạt động, kinh doanh ở Việt Nam như là một khâu, một địa điểm an toàn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
- Hiện nay, ngoài áp lực về doanh thu, dòng tiền, nhiều DN đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động sau thời gian giãn cách xã hội. Để khắc phục tình trạng trên, DN cần làm gì ngay lúc này, thưa ông?
Nói đến chuỗi cung ứng tất yếu không thể thiếu cung ứng lao động. Các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam phần lớn là muốn tận dụng lao động giá rẻ, nguyên liệu rẻ nhưng do việc giãn cách xã hội đã gây ra thiếu hụt lao động, làm họ mất đi nguồn lực quan trọng nhất.
Theo tôi, giải pháp cần làm ngay đối với DN là tập trung khai thác lực lượng lao động an toàn khi đã tiêm đủ vaccine, lao động khỏi bệnh sau khi nhiễm Covid-19 hay có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vướng mắc ở đây là các quy định của Chính phủ chưa sẵn sàng thực hiện việc đó.
Tôi nghĩ, cần có app (ứng dụng) nguồn lao động an toàn trong mùa dịch để kết nối lại thị trường lao động khi có đủ điều kiện như trên. Điều này vừa giúp DN có thể tuyển đủ lao động cần thiết, vừa giúp người lao động có cơ hội tìm việc làm trong và sau mùa dịch. Còn về dài hạn, DN sẽ phải chuyển đổi số, tăng cường tự động hóa và thiết kế lại nơi sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất trong tình hình mới.
- Nhiều DN kêu đuối sức, vỡ kế hoạch khi thực hiện mô hình 3T (3 tại chỗ). Chúng ta cần làm gì để linh hoạt, mềm dẻo trong cách triển khai, tạo điều kiện cho các DN, thưa ông?
Như đã trao đổi ở trên, việc thiết kế nhà máy, nơi làm việc của tất cả các DN không phải để thực hiện 3 tại chỗ mà chỉ là sự bất đắc dĩ do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Nếu áp dụng cứng các mô hình đó chỉ có trên dưới 30% số DN có đủ điều kiện. Hơn nữa, việc này không thể kéo dài vì gây tốn kém cho DN.
Do đó, sự linh hoạt và mềm dẻo không đơn thuần chỉ từ phía DN mà cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, mềm dẻo từ chính quyền địa phương, các hiệp hội và Chính phủ. Đặc biệt, những quyết định can thiệp vào nền kinh tế thị trường phải tuân theo quy luật thị trường và cần có sự tham gia của các bên liên quan từ người dân, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề.
- Để tháo gỡ những khó khăn cho DN sau 4 lần đại dịch, theo ông, cần một "liều thuốc" giải cứu như thế nào và nên "chữa bệnh" gì đầu tiên?
Chúng ta phải thực hiện ngay việc miễn giảm thuế, phí và các khoản đóng góp cho DN dù đây chỉ là trợ cấp khó khăn nhất thời. Bởi xét về bản chất, kinh doanh cần hiệu quả và DN hoạt động vì mục đích sinh lời. Nếu muốn tạo ra chu kỳ kinh doanh mới thì cần kích cầu, tăng đầu tư công, tăng cường cơ hội giao thương để xuất khẩu. Đồng thời là khoanh nợ, cấp tài chính cho chu kỳ kinh doanh mới theo cơ chế mới như "ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp" không chỉ dựa vào tài sản thế chấp.
Còn xét riêng từng chuỗi cung ứng thì mỗi lĩnh vực cần có hỗ trợ đặc thù. Cụ thể, với nông nghiệp, thủy sản cần cấp quỹ duy trì cây, con giống ngay lập tức để tái đàn và tái diện tích cho chu kỳ sản xuất sắp tới; Với lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo cần đẩy nhanh việc tiêm vắc xin, đảm bảo cho nguồn lao động an toàn.
Hơn nữa, chúng ta cần nhất quán quan điểm chống dịch và nới lỏng quyền tự chủ về việc chống dịch cho doanh nghiệp, lực lượng y tế tư nhân theo bộ tiêu chí Nhà nước quy định thay vì can thiệp trực tiếp như hiện nay.
- Vậy các chính sách giãn, hoãn nợ, điều chỉnh lãi suất cho DN có ý nghĩa quan trọng thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Như tôi đã phân tích, các chính sách giãn, hoãn nợ, điều chỉnh lãi suất cho DN là nhóm giải pháp riêng, giúp cho DN giảm áp lực tài chính, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, giảm chi phí đồng nào hay đồng đó.
Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ giải quyết được vấn đề mà điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra chu kỳ kinh doanh mới. Cụ thể là tăng đầu tư công, ứng dụng nguồn lao động an toàn, các ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp.
Xin cám ơn ông!
Hoàng Dung