Đó là vấn đề được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đặt ra trong tham luận tại Diễn đàn kinh tế tư nhân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA)
Tư nhân dẫn dắt thị trường bất động sản
Ông Châu khẳng định, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã phục hồi và phát triển rất mạnh mẽ, là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Riêng thị trường bất động sản đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở của các tầng lớp dân cư và cả người nước ngoài.
Quy mô thị trường bất động sản tăng trưởng gấp đôi trong 10 năm qua với sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân. Có thể nói, các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang dẫn dắt và thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.
Ông Châu cũng đánh giá cao những nỗ lực của các ngành, các cấp đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là khối bất động sản.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, coi thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Chính phủ và đặt ra yêu cầu tạo sự bứt phá trong năm 2019.
Nhiều Bộ, ngành và nhiều địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt, lắng nghe, giải quyết được một số khó khăn của doanh nghiệp.
"Nhưng vì sao cho đến nay, kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra?!", ông Châu đặt câu hỏi.
Cũng chính ông Châu đã chỉ ra những hạn chế dẫn đến tình trạng những nỗ lực của bộ ngành, doanh nghiệp thành... "Dã Tràng xe cát" như: môi trường kinh doanh chưa thật sự minh bạch; có nhóm lợi ích trong lĩnh vực bất động sản, chính sách thiếu tính ổn định...
"Đề nghị cán bộ, công chức hiểu luật và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, không máy móc, lệ thuộc từ ngữ", ông Châu nói.
Đề nghị cán bộ, công chức... hiểu luật
Ông Lê Hoàng Châu cũng đưa ra hàng loạt kiến nghị để đi tìm lời giải cho việc vì sao những nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đạt kết quả như ý mà ông Châu cho rằng đó là điều "cấp bách" cần xử lý ngay.
Ông Châu cho biết, ông rất chia sẻ với đội ngũ cán bộ, công chức thành phố trực thuộc trung ương, các tỉnh lớn, nhất là tại TPHCM, Hà Nội, đã rất vất vả và có tiềm ẩn rủi ro trong khi thực thi công vụ. Nhưng, cần nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, đạo đức công vụ. Trước hết, kiến nghị công bố công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính; Không để cán bộ, công chức tiếp cận với người dân, doanh nghiệp trong quá trình thụ lý hồ sơ, bằng cách đẩy mạnh cơ chế Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.
"Đề nghị cán bộ, công chức hiểu luật và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, không máy móc, lệ thuộc từ ngữ", ông Châu nói.
Chuyên gia bất động sản này cũng đề nghị các Bộ, ngành địa phương chủ động rà soát, đơn giản hoá, công khai hoá, minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình hành chính. Trước hết là về chấp thuận chủ đầu tư dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có một tỷ lệ nhỏ đất công (chiếm khoảng 10%); hoặc quy trình, thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án hiện nay.
Về sự cấp thiết ban hành Nghị định về BT, thanh toán đối ứng bằng quỹ đất và minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, ông Châu đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về dùng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư BT để giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay và mở đường huy động các nguồn lực tư nhân tham gia phát triển hệ thống hạ tầng theo phương thức đối tác công-tư.
Đồng thời, đề nghị thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.
Chuyên gia bất động sản này cũng cho rằng, doanh nghiệp cũng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình chứ không "ôm cây đợi thỏ", "nằm chờ sung rụng"... nhất là không làm ăn kiểu chụp giật, ăn dày.
Doanh nghiệp bất động sản bên cạnh mục tiêu kinh doanh hiệu quả, còn phải có trách nhiệm xã hội, với người tiêu dùng và phát triển bền vững; phát triển bất động sản xanh và thông minh... Do vậy, doanh nghiệp trước hết phải tuân thủ pháp luật và minh bạch thông tin dự án, về huy động vốn và sử dụng vốn huy động...", ông Châu nói.
Công Quang