Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng: Nếu làm thương mại thì chỉ một hai năm là bỏ cuộc ngay.
"Nếu không có tình yêu đất nước, không có khát vọng thì Bkav đã không bỏ thời gian dài với số tiền lớn như vậy ra làm điện thoại. Mục tiêu của chúng tôi là chiếm số 1 về thị phần điện thoại tại thị trường Việt Nam", Chủ tịch Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng, nói chắc nịch trong câu chuyện với VnEconomy trước ngày Bphone 3 ra mắt.
Khát vọng làm điện thoại của ông Nguyễn Tử Quảng có thể cảm nhận qua từng chi tiết được phân tích cụ thể, qua sự hào hứng, hăng say khi chia sẻ về Bphone, về làm điện thoại đến hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ, quên cả ăn trưa, bỏ qua lịch đã được hẹn trước.
Hoặc rất hoành tráng hoặc sẽ biến mất
Bphone 3 sắp ra mắt, Bkav cũng sắp bước tới năm thứ 10 trong hành trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất điện thoại. Độ dài thời gian như vậy đã có rất nhiều hãng, đặc biệt là các thương hiệu điện thoại Trung Quốc đã có những thành công lớn, ông nghĩ sao, dù so sánh là khập khiễng?
Việc nào càng khó thì không phải dễ dàng có ngay. Làm điện thoại phải có quá trình. Nhưng đến nay chúng ta có thể tự hào vì trên thế giới hiện cũng chỉ có chưa đầy 10 nước có thể sản xuất smartphone cao cấp có thể làm chủ công nghệ. Nên, người Việt nên tự hào không chỉ có Bkav mà các công ty khác nữa đã sản xuất ra sản phẩm. Chưa nói về số lượng, mà là về khả năng.
Thứ 2 là thị trường này ghi dấu ấn quá sâu, quá lớn của các thương hiệu đã thành công như Apple, Samsung. Bạn thấy Apple, Samsung lên là đánh bật Nokia, Blackberry, Motorola... Cái này nó khắc nghiệt lắm, hoặc là chiến thắng hoặc là thất bại. Ví dụ như ở Trung Quốc, năm 2015, lúc Bkav ra mắt Bphone thì Samsung có thị phần số 1 nhưng đến hôm nay Samsung chỉ chiếm còn khoảng 0,9% thị phần. Nó khắc nghiệt như thế. Hoặc là rất hoành tráng hoặc là sẽ biến mất. Điều đó vẫn đang diễn ra.
Bkav làm Bphone từ 2009 nhưng 6 năm sau mọi người mới biết. Tuy nhiên, đùng cái chúng tôi ra sản phẩm mà rất khó có công ty nào trên thế giới làm được ở sản phẩm đầu tiên như vậy. Thế nên mọi người không tin, mọi người nghi ngờ, nghi ngờ rất nhiều. Tất nhiên sản phẩm vẫn còn một số điểm chưa như kỳ vọng, chưa như mong muốn của Bkav, nhưng điều đó cũng tốt vì thật tâm mình muốn làm nó thật xuất sắc.
Nói một cách sòng phẳng, lí do không hoàn toàn đến từ Bkav, nó còn là vấn đề từ thị trường. Là mọi người chưa thể tin điều đấy. Quá bất ngờ không tin là có thể làm được. Đó cũng là lý do mà mọi người vẫn chưa nhìn thấy thành công nhưng hãy đợi đến lúc đó. Chúng tôi biết và đang hừng hực khí thế để chuẩn bị cho điều đó. Lĩnh vực này không có chuyện làng nhàng.
Còn lấy ví dụ về các thương hiệu của Trung Quốc thì bạn thấy có quốc gia nào thuận lợi như Trung Quốc không. Họ có chính sách nọ kia, rất thuận lợi cho các doanh nghiệp. Thứ hai họ có định hướng phát triển công nghệ, sử dụng công nghệ làm đòn bẩy cho nền kinh tế. Họ có chiến lược rất rõ cho việc đấy. Cho nên họ đầu tư giống như Hàn Quốc, nhất là đầu tư cho các công ty làm phụ trợ, nghiên cứu cho các trường đại học, nghiên cứu công nghệ,...
Và thứ ba là thị trường – là một thế giới riêng. Đây là điều quyết định hơn. Nó vô cùng thuận lợi.
Trong khi chúng ta, điều kiện môi trường ở thị trường Việt Nam khó vô cùng. Đất nước mình không phải là đất nước công nghệ. Công ty phụ trợ không có. Tất cả mọi thứ không có. Khó đủ bề. Cho nên Bkav mất 6 năm mới có thể ra Bphone. Vì mình phải có hàng trăm đối tác trên khắp thế giới.
"10 năm nay Bkav làm không hề lấy một đồng lãi nào cả, chỉ có bỏ tiền ra thôi"
Nhưng Bphone chưa thành công trên thị trường, cũng như sản phẩm của các thương hiệu khác của Việt Nam chưa thực sự thành công, có phải do hạn chế từ chính nội tại của doanh nghiệp, đặc biệt là về công nghệ không?
Không phải. Về mặt trí tuệ mình không kém bất kỳ bên nào cả. Nhưng khó khăn ở nền kinh tế như mình đã nói dẫn đến thiếu nhiều thứ. Mọi người hay kêu ca yếu kém. Không hề yếu kém. Yếu kém trong suy nghĩ, tư tưởng. Mình khẳng định ở Bkav không yếu kém như vậy.
Trong ý chí, năng lực về công nghệ có thể là như vậy nhưng khi phải biến nó thành hiện thực thì cần phải có phụ trợ, phải làm việc với các đối tác. Không ai làm smartphone có thể làm hết 100%, Apple cũng vậy. Ở một vị thế nước khác hoặc đã có sẵn ở nước ấy rồi thì việc tìm kiếm đối tác là rất đơn giản. Còn mình phải đi tìm họ, phải thuyết phục thì là cả một vấn đề.
Như khi làm smartphone thì cần phải có con chip. Số 1 là Qualcomm. Nhưng Qualcomm từ chối. Họ nghĩ Việt Nam không thể làm nổi. Sau đó Bkav đã gửi đi cho tất cả các công ty làm chip trên thế giới để đề nghị họ. Benatek không thèm làm. Phải gọi một công ty là Freescale, họ lại không hề có tên tuổi trong lĩnh vực chip và smartphone. Chip của họ là làm cho các nhà máy công nghiệp.
Chúng tôi phải dùng cái chip đấy để làm ra smartphone. Và cuối cùng, mất 3 năm Bkav mới thuyết phục được Qualcomm. Sau khi có sản phẩm, mình ra sức thuyết phục rằng muốn làm thực sự, thì họ mới đồng ý.
Nói như thế để thấy không hề có chuyện yếu kém, tôi nghĩ là nó hơi bất công cho doanh nghiệp Việt, cho người Việt. Và Bkav rất muốn truyền cái niềm tin ấy cho mọi người qua những cái sản phẩm của mình. Cũng bởi vậy mà Bkav mới quyết tâm đến như thế. 10 năm nay Bkav làm không hề lấy một đồng lãi nào cả, chỉ có bỏ tiền ra thôi.
"Chỉ nhận gạch đá chứ đã nhận gì đâu"
Nói gì thì nói, thành công của một sản phẩm phải được đo đếm bằng doanh số bán ra trên thị trường và phải có lãi. Vậy một sản phẩm phải đạt doanh số như thế nào thì mới được xem là thành công và mới có lãi, theo ông?
Ở thị trường smartphone, tối thiểu phải chiếm 10% mới có chút tên tuổi.
Không, có lợi nhuận cơ?
Đúng vậy. Tất nhiên có thể thấp hơn nhưng với Bkav tối thiểu là phải 10%, nhưng kỳ vọng của chúng tôi chắc chắn lớn hơn thế rất nhiều.
Tôi hỏi vậy bởi lâu nay mọi người vẫn cho rằng, Bkav sản xuất ít như vậy, bởi làm điện thoại chỉ để làm thương hiệu…
Xin hỏi bạn thương hiệu này phục vụ cho việc nào? Chỉ nhận gạch đá chứ nhận gì đâu. Đâu cớ phải bỏ đến nay là hơn 500 tỷ đồng trong 10 năm miệt mài như thế. Tôi phải nhấn mạnh lại, nếu không có lòng yêu nước, không có khát vọng, không phải từ niềm đam mê công nghệ, thì không bao giờ Bkav làm như thế đâu. Nếu làm thương mại thì chỉ một hai năm là bỏ cuộc ngay.
Chúng tôi làm sản phẩm không có một đồng vốn ngân hàng. Ngân hàng không bao giờ cho vay để làm cái việc này. Chúng tôi phải bỏ vốn tự có ra hết. Hơn 500 tỷ Bkav bỏ ra là vốn tự có. Theo bạn có doanh nghiệp nào lại bỏ tiền túi ra đầu tư như thế không. Chắc chắn không có đâu.
Như tới đây, Bkav sẽ sản xuất lớn, nói thật là rất cần vốn ngân hàng, nhưng cũng không có một đồng của ngân hàng nào luôn. Chúng tôi sẽ phát hành cổ phiếu để lấy vốn đầu tư, vẫn là tiền của mình.
Sở dĩ mọi người cho rằng Bkav làm điện thoại chỉ để làm thương hiệu là còn bởi nhìn vào hệ thống nhà máy sản xuất của Bkav không hề có một chút tầm vóc về quy mô công nghiệp, rất nhỏ bé và thậm chí lụp xụp?
6 năm liền (2009-2015-PV) chúng tôi chỉ làm về thiết kế. Làm chủ về thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử và phần mềm. Mọi người có thấy nhà máy đâu. Rồi sau nhiều người cũng nói là nhà máy lụp xụp này kia. Nhưng chính những nhà máy lụp xụp đấy lại ra được những sản phẩm như thế này.
Nhà máy không phải là cái quyết định. Tất nhiên chúng tôi vẫn làm để làm chủ nhưng không cần đầu tư nhà máy lớn. Tới đây khi sản xuất lớn thì chúng tôi sẽ đi thuê. Làm chủ công nghệ mới là cái quyết định, nghiên cứu mới là cái quyết định. Bkav chọn làm như thế thì nó mới tốn công, tốn sức.
Sản phẩm này nó tinh xảo lắm, không phải có nhà máy chạy xuỳnh xuỵch là ra sản phẩm đâu.
Giá Bphone 3 có rẻ?
Theo thông tin đã được tiết lộ, Bkav sẽ thuê công ty Meiko (Nhật) để sản xuất Bphone 3 theo quy mô lớn. Với quy mô lớn này thì giá thành và giá bán sản phẩm Bphone 3 có rẻ đi nhiều hơn không, bởi giá của Bphone 1 và 2 bị người dùng đánh giá là đắt?
Không phải là rẻ mà nó đúng với giá trị của nó. Tôi tin mọi người sẽ thỏa mãn giữa sản phẩm nhận được và số tiền bỏ ra. Người dùng sẽ không còn phải lăn tăn về giá.
Khi sản xuất quy mô lớn chúng tôi sẽ đưa tự động hóa vào, đưa robot vào sản xuất với số lượng sớn nhưng không cần quá nhiều công nhân và sẽ tối ưu về giá. Tất nhiên, tôi nói lại, kể cả khi trước có tối ưu thì Bphone vẫn định vị giá như thế vì đó là định vị thương hiệu. Nhưng tới đây, với quy mô sản xuất lớn, với quá trình đàm phán để có những giá tối ưu thì chúng tôi sẽ đưa ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu về giá của người dùng.
Thường thì số lượng phải đạt ngưỡng bao nhiêu mới có thể tối ưu về giá?
Cái này tôi không chia sẻ được vì nó là bí quyết.
Trước đây mình định vị ở phân khúc cao cấp rồi, giờ ra cả sản phẩm tầm trung, thì thương hiệu có bị ảnh hưởng hay bị "pha loãng" không?
Không hề, bạn hãy nhìn Apple nhé. Apple cũng có nhiều phân khúc đấy chứ, như bản iPhone SE giá rẻ hơn, nhưng ai cũng nhìn iPhone là sản phẩm cao cấp bởi họ định vị ngay từ đầu như vậy.
Bkav cũng định vị phân khúc cao cấp, cũng có phân khúc tầm trung và sẽ có đủ các phân khúc khác. Ở đây không hẳn là thương hiệu của Bkav, mà nhìn rộng ra, nó còn là thương hiệu quốc gia.
Bkav định vị vào phân khúc cao cấp là như thế. Từ cao cấp thì có thể vươn lên nữa thành Flagship, từ phân khúc cao cấp có thể xuống phân khúc tầm trung, chứ còn nếu từ cái giá rẻ mà đi lên là cả một vấn đề.
Nếu ấn định trong đầu người dùng là sản phẩm cao cấp thì chất lượng lúc nào cũng phải xuất sắc và phải luôn phấn đấu để xuất sắc. Còn nếu xác định giá rẻ thì chỉ có tìm cách để nó rẻ hơn, rẻ hơn nữa và phải cắt giảm đi rất nhiều thứ.
Muốn chiếm vị trí số 1 về thị phần
Như trên ông chia sẻ ít nhất phải chiếm được 10% trên thị trường và kỳ vọng của Bkav còn lớn hơn thế. Nghĩa là Bkav kỳ vọng tới đây sẽ bán được hàng trăm nghìn sản phẩm?
Không phải hàng trăm nghìn mà là hàng triệu. Một năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 15 triệu chiếc smartphone, vậy phải có ít nhất từ 1-1,5 triệu chiếc thì mới có chân ở thị trường.
Nhưng không phải 10% đâu, phải hơn, mình bảo tối thiểu 10% thì mới gọi là có tên tuổi. Nhưng Bkav đã làm thì phải dẫn dắt thị trường.
Tức là đứng vị trí số 1 về thị phần…
Cớ sao bạn phải ngạc nhiên với điều đó. Bạn đã thấy Trung Quốc, năm 2015 Samsung đang từ dẫn đầu bây giờ chỉ còn 0,9% thị phần. Đấy là sự thật. Thế mình mới nói thị trường khắc nghiệt là như vậy. Chiến thắng sẽ dành cho kẻ nắm công nghệ lõi.
Kế hoạch của Bkav là thành công trong vài năm tới. Bphone sẽ là thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Đó là điều mà chúng tôi đang hướng tới.
Khoảng bao nhiêu năm nữa?
5 năm.
Nhưng đâu là cơ sở để ông đưa ra mục tiêu đầy tham vọng và thậm chí… chắc sẽ rất ít người tin vào điều này?
Bkav có 10 năm để làm, để chuẩn bị cho tham vọng trên. Thực tế cũng có những ví dụ kinh điển trong lĩnh vực điện thoại. Nếu như có công nghệ xuất sắc thì có thể lật đổ cả những người dẫn đầu trong tíc tắc. Nokia là một ví dụ. Hay Samsung ở Trung Quốc cũng là một ví dụ, như đã nói.
Tất nhiên bạn hỏi thì tôi mới nói. Nhưng lúc này, không có gì là không tin tưởng vào việc đấy cả. Đó là kế hoạch của Bkav.
Apple là số 1 thế giới hiện nay. Có ai nghi ngờ chuyện đấy không, trừ khi họ chưa cầm điện thoại iPhone trên tay. Và đến nay, sứ mệnh của iPhone đã thuyết phục được người dùng. Apple làm được vì có công nghệ lõi.
Bkav ở đây cũng có công nghệ lõi, không thiết bất kỳ cái gì. Quy mô thị trường trong nước là 100 triệu dân và mỗi năm có tới 15 triệu người mua smartphone. Nhà mạng có. Bkav đã, đang làm việc để hợp tác với các nhà mạng. Về giá có tối ưu không? mình khẳng định với Bphone 3 mọi người sẽ có những bất ngờ.
Đó là những cơ sở để Bkav có quyền với những tham vọng và khát vọng của mình.
Theo Mạnh Chung
VnEconomy