Khác xa so với cảnh nhộn nhịp, tấp nập người mua, kẻ bán thường thấy mọi năm, hầu như suốt năm nay, các nhà hàng, quán ăn, quán bar tại khu vực phố cổ Hà Nội luôn trong trạng thái đóng cửa.
Rất nhiều đơn vị vì không trụ được đã phải dứt áo ra đi, số ít còn lại cố gắng "giật gấu vá vai", vay chỗ này, đắp chỗ kia, để cầm cự, chờ đợi ngày hoạt động trở lại. Nhưng tất cả các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, quán ăn, khách sạn, quán bar,... đều không chắc bao giờ mới tới giai đoạn "bình thường mới".
Khó khăn nhất là thói quen người tiêu dùng đã thay đổi
Chia sẻ với PV Dân Trí, bà Nguyễn Vân Hồng - đồng sáng lập Totem - Cocktails & Co trên phố Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho biết nhà hàng của bà mới khai trương được một năm, nhưng đã đóng cửa theo chỉ thị của thành phố đến nay đã được hơn 5 tháng.
"Dịch bệnh thì ngành hàng nào cũng bị ảnh hưởng, trong đó có mảng F&B, đặc biệt nhóm ngành hàng đặc thù riêng như vũ trường, quán bar, nên ảnh hưởng lớn nhất của chúng tôi đó là phải đóng cửa, tạm dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh trong thời gian dài", bà Hồng chia sẻ.
Theo bà Hồng, vì đặc điểm của mô hình kinh doanh nên phải ưu tiên tìm thuê địa điểm ở trung tâm thành phố, phí thuê mặt bằng khá đắt đỏ.
"Việc đóng cửa, tạm ngừng hoàn toàn việc kinh doanh cũng được hỗ trợ một phần chi phí thuê từ chủ mặt bằng. Tuy nhiên các chi phí vận hành, bảo trì cơ sở vật chất khác phát sinh trong thời gian này vẫn rất lớn, gây nhiều áp lực cho cơ sở kinh doanh", bà Hồng cho hay.
Đối với nhân sự của nhà hàng, khi dịch bệnh căng thẳng phải đóng cửa quán thì một số nhân sự về quê, một số khác chờ dịch qua để quán được mở cửa trở lại.
Bán mang về không hiệu quả với phân khúc nhà hàng cao cấp, các sản phẩm đồ uống đặc thù như cocktail (Ảnh: CTV).
Nói về thực trạng chung của F&B, đặc thù là kinh doanh về cocktail và nhà hàng, bà Hồng cho rằng khó khăn nhất đó chính là vượt qua thói quen tiêu dùng của khách hàng.
Theo chia sẻ của chủ nhà hàng, Covid-19 đã làm thay đổi nhiều về hành vi tiêu dùng của khách hàng, khi giai đoạn đóng cửa các nhà hàng, quán bar trong năm 2021 kéo dài lâu hơn so với năm 2020.
Việc chuyển đổi sang hình thức bán mang về có thể hiệu quả với các nhóm hàng kinh doanh đồ ăn, thực phẩm cơ bản nhưng không quá hiệu quả với phân khúc nhà hàng cao cấp, các sản phẩm đồ uống đặc thù như cocktail.
"Vì đối với nhóm này, bên cạnh chất lượng sản phẩm, quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ tại quán bao gồm nhiều về trải nghiệm không gian, chất lượng phục vụ. Hình thức bán mang về không truyền tải được điều này", chủ nhà hàng cocktail chia sẻ những khó khăn của đơn vị trong việc thay đổi hình thức kinh doanh trong đại dịch.
Từ những khó khăn nêu trên, bà Hồng cho biết hi vọng lớn nhất không chỉ với nhà hàng của bà mà còn với tất cả các nhà hàng khác ở Hà Nội, TPHCM là dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt và các cơ sở được hoạt động trở lại bình thường.
Chưa khi nào cảm thấy khốc liệt như lúc này
Trong khi đó, anh Nguyễn Anh Tuấn, quản lý 21 Gam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết hơn 11 năm theo nghề, anh chưa khi nào cảm thấy khốc liệt cũng như khó khăn với ngành nghề mà mình theo đuổi như hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"11 năm làm trong ngành F&B, cũng nhiều năm làm quản lý tôi chưa khi nào thấy công việc mình làm nó bị ảnh hưởng nhiều đến vậy. Giờ đây, quán thì đóng cửa im lìm nhiều tháng, âm thanh loa đài cũng hỏng hóc, phải bảo dưỡng sửa chữa, ẩm mốc… do lâu ngày không sử dụng. Chưa kể, nhân viên thì một phần phải đi chạy ship, bán hàng online kiếm sống qua ngày. Hình ảnh đó thật khiến tôi đau lòng", anh Tuấn ngậm ngùi.
Dịch Covid-19 đã thực sự làm ảnh hưởng đến ngành F&B và các ngành khác, đặc biệt là hoạt động các quán bar cũng bị ảnh hưởng. "Khi dịch bệnh thì bar là nơi bị lockdown (đóng cửa) đầu tiên, lúc hoạt động cũng là nơi được hoạt động cuối cùng. Các bạn nhân viên không đi làm, nhà không phải ở Hà Nội nên phải chuyển hướng làm cái khác chờ đợi, công việc rất bấp bênh", anh Tuấn chia sẻ.
Thuê mặt bằng để sửa chữa từ tháng 4, nhưng anh Nguyễn Thanh Sơn, chủ quán 11 Cocktail Universe (Hàng Da, Hà Nội) phải tạm dừng thi công từ thời đầu tháng 5 cho tới nay. Nhà hàng phải tạm dừng do dịch bệnh, nhưng các chi phí thuê mặt bằng và nhân viên anh Sơn vẫn phải chi trả.
Theo đó, mỗi tháng anh Sơn phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng trả tiền thuê mặt bằng. Ngoài ra, chi phí tuyển dụng và đạo tạo nhân sự từ trước dịch cũng mất trắng, do đa phần nhân viên đã xin nghỉ. Anh Sơn phải bỏ thêm tiền ra để tuyển dụng và đào tạo mới nhân viên mới, đồng thời anh cũng phải chi trả hỗ trợ cho người cũ trong mùa dịch.
"Chưa biết lúc nào nhà hàng được mở lại, nhưng tổng chi phí tôi phải bỏ ra trong mùa dịch lên tới hơn 500 triệu đồng", anh Sơn chia sẻ.
Học cách sống chung với dịch Covid-19
Từ cuối tháng 1/2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành F&B đã chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu lớn và chuyển sang phương án "phòng ngự, co cụm" trong trạng thái "bình thường mới".
"Chúng ta không thể trở về "Zero Covid" mà phải học cách sống chung với Covid, cấm nhưng không được cấm cực đoan", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói (Ảnh: Anh Phương).
Trao đổi với PV về khó khăn của lĩnh vực F&B, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các địa phương đang ngại cho phép các cơ sở kinh doanh F&B hoạt động trở lại, vì khâu kiểm soát dịch bệnh tại các quán này.
"Do dịch bệnh lây truyền nhanh, những nơi càng kín, tiếp xúc gần càng dễ lây. Vì thế, không kiểm soát được dịch bệnh ở những nơi này sẽ dễ lây lan dịch bệnh", ông Long cho hay.
Về giải pháp, vị chuyên gia này cho hay: "Chúng ta không thể trở về "Zero Covid" mà phải học cách sống chung với Covid-19, cấm nhưng không được cấm cực đoan. Khi các quán ăn, nhà hàng hay quán bar đảm bảo đầy đủ được các điều kiện kinh doanh an toàn thì có thể cho mở cửa".
Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý, khi mở cửa phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố phòng, chống dịch, khách hàng đến quán cũng phải tuân thủ các nguyên tắc 5K theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế.
Thế Hưng