Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn hàng bị ảnh hưởng khiến cho việc kinh doanh tại khu chợ vải lớn nhất nhì Hà Nội bị đình trệ.
Dọc cả con phố, cảnh đìu hiu không có người qua lại. Nhiều chủ hàng mở cửa cũng chỉ để có việc làm.
Người bán lẻ cũng hạn chế tới chợ Ninh Hiệp do lo sợ dịch bệnh. Bởi đây cũng là nơi có nhiều người đi nước ngoài nhập hàng vào thời điểm trước Tết.
Việc giao hàng vận chuyển là một nghề có thu nhập tốt ở đây. Nhưng thời điểm này, rất ít người có việc làm.
Nhiều shipper chỉ đành ngồi quán trà đá, xem các mối quen có việc gì thì làm. Thậm chí, các đơn hàng bị hạ giá hay các mối trước đây không ai làm thì hiện cũng phải tranh nhau.
Vào tới các khu chợ sầm uất nhất ở Ninh Hiệp với tiền thuê lên tới cả trăm triệu một tháng, cảnh vắng lặng cũng không tránh khỏi, dù đang là 2 giờ chiều.
Chủ hàng bỏ đi chơi, không trông hàng
Nếu không cũng chỉ biết sử dụng điện thoại
Một số cơ sở đã bán hết hàng đành phải đóng cửa
Số khác thì treo mẫu lên cho đỡ trống quầy, còn hàng trong kho thì đã bán hết
Theo các tiểu thương ở đây, việc vắng vẻ này là do lượng hàng dự trữ đã hết. Hàng hoá cũng không về được do phía nguồn cung cấp cũng đang đồng loạt nghỉ dịch.
"Biên giới không đóng, nhưng không có người đóng hàng, không có công nhân sản xuất, không có vận tải,...nên hàng không thể về Việt Nam", một tiểu thương cho biết.
Đa phần, các tiểu thương tại Ninh Hiệp chỉ dự trữ hàng cho khoảng 20 ngày sau Tết. Do đó, sau khi bán hết số hàng này thì sẽ không còn gì để kinh doanh.
Nhiều người đành phải nhập thêm hàng Việt Nam, Thái Lan để duy trì. Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, các mặt hàng này không bắt mắt, nên việc tiêu thụ rất chậm.
Việc bán thêm mặt hàng này chỉ là giải pháp tình thế, do chi phí để hoạt động tại đây quá cao. Nếu dừng bán hẳn thì sẽ không thể bù đắp được chi phí mặt bằng.
Mặt bằng là khoản chi phí đắt đỏ nhất tại chợ Ninh Hiệp. Thậm chí, giá thuê có thể cao gấp 3 - 4 lần tại phố cổ Hà Nội.
Thế Hưng