Là một doanh nghiệp may nhỏ với khoảng hơn 20 công nhân, anh V.N.M. (Long Biên, Hà Nội) đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Tưởng như cuộc chiến ở một nơi xa xôi nào đó chẳng ảnh hưởng tới mình, nhưng DN của anh Minh đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng dư thừa của Trung Quốc tràn sang.
Anh M. cho biết: “Sự khủng hoảng đang diễn ra bởi các DN may mặc lớn của Trung Quốc không xuất được sang thị trường cực lớn là Mỹ thì sẽ chuyển sang tiêu thụ trong nước. Khi đó, các DN nhỏ của Trung Quốc không cạnh tranh nổi và sẽ phải mang hàng sang các khu vực thứ 3 như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia để tiêu thụ. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn tới ngành sản xuất hàng may mặc trong nước.”
Các xưởng may mặc nhỏ đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng dư thừa của Trung Quốc tràn sang. (Ảnh minh hoạ)
“Không những vậy, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang mất giá so với tiền Việt. Hai yếu tố này khiến cho các DN may nhỏ ở Việt Nam chuyển sang nhập hàng Trung Quốc thay vì sản xuất. Hiện, giá áo của Trung Quốc đang rất rẻ, chỉ 35 nhân dân tệ/áo, tương đương với khoảng 100.000 đồng. So với hàng tôi sản xuất thì rẻ hơn 20.000 - 30.000 đồng/áo, mà chất lượng còn tốt hơn do vải của họ đẹp hơn”, anh M. nói.
Cũng theo anh M.: “Hiện nhiều DN may nhỏ hoặc vừa đang phải chuyển dịch cơ cấu sang nhập hàng Trung Quốc về thay nhãn mác. Khách hàng chỉ cần các nhà cung cấp có hàng cho họ là được, còn lại họ không quan tâm nguồn gốc xuất xứ.”
“Nhưng phải thừa nhận một điều, vải Trung Quốc đẹp hơn vải của Việt Nam. Vải tôi hay nhiều DN khác đang dùng chỉ là thấp cấp so với vải Trung Quốc. Nhiều thương lái Việt Nam làm hàng đẹp toàn sang tận các nhà máy của Trung Quốc để nhập vải. Hàng đó đẹp, không xước, không lỗi sợi”, anh M. nhận định.
Việc các xưởng nhỏ tại Trung Quốc với quy mô 100 - 200 công nhân tấn công sang thị trường Việt Nam khiến nhiều DN may của Việt Nam rất khó cạnh tranh. Không những vậy, theo nhiều chủ DN may vừa và nhỏ, nó còn kéo theo cả chuỗi trong ngành.
Chỉ cần 1 biến động nhỏ cũng khiến nhiều mắt xích trong đó bị ảnh hưởng. Ngay cả các cửa hàng bán lẻ đặt hàng từ các nhà sản xuất trong nước cũng đang gặp khó khăn vì không cạnh tranh nổi.
Anh Lương Việt Dũng (Hà Đông, Hà Nội) có một cửa hàng kinh doanh và một xưởng may váy công sở cho các bạn trẻ cũng đang loay hoay tìm đường rút. Bởi anh Dũng khởi nghiệp theo hướng tự thiết kế, tự sản xuất và bán hàng. Nhưng hiện nay, anh cũng đang phải tìm hướng nhập hàng Trung Quốc về bán thay thế nếu không muốn phá sản hoặc chuyển sang bán hàng rẻ tiền.
Anh Dũng cho biết: “Hàng trong nước sản xuất ra không cạnh tranh được thì dần dần công nhân của tôi cũng bỏ việc vì lương thấp. Không chỉ tôi, nhiều người trẻ theo đuổi đam mê khởi nghiệp như như tôi bây giờ cũng đang phải nhập thêm hàng Trung Quốc về bán để thử thị trường và giảm sản xuất.”
“Cách đây 2 tuần, các thương lái Trung Quốc thường chào vải và phụ liệu cho tôi đã chuyển hẳn sang chào bán thành phẩm. Do lượng hàng tồn ở Trung Quốc bây giờ đang rất lớn. Tuy nhiên, DN nhỏ như tôi không đủ sức để chạy đua theo thị trường. Tôi đành vừa đi vừa nhìn, thị trường thay đổi đến đâu thì tìm cách sinh tồn đến đó”, anh Dũng cho biết thêm.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây khó khăn nhiều cho ngành may mặc nước nhà nhưng không phải vì thế mà các DN trong nước không có cơ hội phát triển. Trung Quốc rút khỏi thị trường Mỹ lại tạo điều kiện cho các DN may mặc của Hàn Quốc nhiều cơ hội.
Nhiều hãng thời trang Hàn Quốc thay vì đặt hàng tại Trung Quốc thì lại tìm sang các DN Việt với những đơn hàng gấp 4-5 lần sản lượng so với trước đây. Hàng thành phẩm sẽ nhập trở lại Hàn Quốc rồi mới xuất sang Mỹ hoặc sẽ xuất trực tiếp từ Việt Nam sang thị trường Mỹ. DN của anh Minh thậm chí còn phải từ chối bớt các đơn hàng của Hàn Quốc bởi thời gian gần đây, các mối hàng đặt số lượng vượt quá quy mô của công ty.
Trong khó khăn cũng sẽ có cơ hội, các DN sản xuất may mặc trong nước nên bình tĩnh trước những động thái đến từ thị trường để có những thay đổi phù hợp.
Thế Hưng