CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng nói về điểm nổi bật của Bluezone so với các giải pháp công nghệ khác trên thế giới.
Mới đây trên fanpage Bphone Fans Club - Trải nghiệm không giới hạn, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng đã trả lời câu hỏi nhiều người đang thắc mắc về việc các nước khác trên thế giới sử dụng giải pháp nào để truy vết Covid-19 và Bluezone có đặc điểm gì nổi bật hơn các giải pháp đó.
Hai trong số những ưu điểm của Bluezone đã được CEO Bkav chỉ ra, bao gồm việc không thu thập dữ liệu về người dùng (chỉ sử dụng mã số ngẫu nhiên để định danh), và khả năng hoạt động đa nền tảng.
Bluezone không định danh, không thu thập vị trí, dữ liệu của người dùng
Theo ông Quảng, cũng giống như Việt Nam, Bluetooth năng lượng thấp (BLE - Bluetooth Low Energy) được Singapore và Dubai sử dụng để phát hiện tiếp xúc gần trong dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tại các quốc gia này, khi sử dụng ứng dụng, người dân phải kê khai chính xác số điện thoại và phải được cơ quan y tế xác thực. Ứng dụng Bluezone của Việt Nam không đặt ra yêu cầu này.
Bước đăng nhập trước khi sử dụng app chỉ là thủ tục không bắt buộc - với mục đích để cơ quan chức năng, tổ chức y tế chủ động liên hệ với bạn để hạn chế lây nhiễm cộng đồng.
Có thể nhận thấy số điện thoại này hoàn toàn không có xác nhận khi đăng ký (thông qua OTP hay một tài khoản nào đó gắn kèm). Do đó, người dùng thậm chí có thể không điền số điện thoại chính xác nếu muốn. Tuy nhiên điều này sẽ 'có hại' nhiều hơn 'có lợi', vì những mục đích nêu trên.
Các bước hoạt động của ứng dụng Bluezone
Là CEO của một trong những tập đoàn chung tay phát triển Bluezone, ông Quảng khẳng định Bluezone "không yêu cầu nhập thông tin cá nhân bắt buộc, chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, không đưa lên server và không thu thập vị trí".
"Bluezone chỉ ghi nhận hai người có gặp nhau lúc nào và trong bao lâu, chứ không biết ở chỗ nào. Người dùng Bluezone cũng sẽ ẩn danh do sử dụng mã số ngẫu nhiên để giao tiếp và ghi nhật ký tiếp xúc", ông Quảng cho biết thêm.
Điều này đã đập tan "thuyết âm mưu" cho rằng Bluezone có thể là công cụ định vị người dân, hoặc thu thập dữ liệu cá nhân từ người dùng.
Khả năng hoạt động đa nền tảng trên smartphone
Bluetooth là giải pháp được một số quốc gia trên thế giới sử dụng trong chống dịch Covid-19. Đặc biệt là cho mục đích giúp cuộc sống trở lại bình thường, sau thời kì cao điểm của dịch.
Tuy nhiên khi nói về những giải pháp giúp phát hiện tiếp xúc gần trong dịch Covid-19 đang được áp dụng tại một số quốc gia, như Singapore và Dubai, CEO Nguyễn Tử Quảng cho biết chúng vẫn còn những điểm hạn chế.
Ứng dụng Bluezone liên tục lọt top ứng dụng được tải nhiều trên hệ thống App Store và Google Play trong nhiều tuần gần đây
Điển hình đó là những người sử dụng điện thoại Android sẽ không phát hiện được tiếp xúc với những người sử dụng iOS (iPhone) và ngược lại, dẫn đến việc hạn chế về độ chính xác.
Trong khi đó với Bluezone, theo lời ông Quảng, người dùng chỉ cần cài đặt trên smartphone và bật sóng Bluetooth là mọi tiếp xúc đều được ghi nhận.
Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone là ứng dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục đích bảo vệ cộng đồng trước đại dịch Covid-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường.
Theo chia sẻ của đại diện Bkav, tính đến chiều ngày 8/8, đã có hơn 12 triệu lượt người dân cài đặt ứng dụng Bluezone. Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 sáng 7/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ số liệu thống kê cho biết đã có ít nhất 21 trường hợp là F1, F2 được phát hiện nhờ cài đặt Bluezone.
Nguyễn Nguyễn