Toàn cảnh hội thảo sáng 31/7.
Tại hội thảo diễn ra sáng nay (31/7), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo "Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018".
Theo đó, VCCI cho biết, đánh giá phản hồi là việc xem xét mức độ tiếp thu của các cơ quan chủ trì soạn thảo đối với các góp ý của VCCI. 6 tháng đầu năm có 16 văn bản ban hành mà VCCI có góp ý, trong đó có 5 nghị định, 11 thông tư, do 7 bộ chủ trì soạn thảo.
Với 16 văn bản trên thì VCCI có 113 góp ý, trung bình mỗi văn bản có gần 19 đề xuất. Đối chiếu với các văn bản đã ban hành thì tỷ lệ tiếp thu của các Bộ khoảng 52,21%, có nghĩa trong 113 đề xuất thì có 59 ý kiến được ghi nhận. Tỷ lệ tiếp thu này cao hơn những năm trước, chứng tỏ ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được ghi nhận và tiếp thu.
Tuy nhiên, báo cáo của VCCI cũng chỉ ra rằng, mặc dù các phương án cắt giảm đều đã đạt được mục tiêu nhưng khi xem xét chi tiết hơn của từng phương án thì đôi khi “con số chỉ là con số”.
VCCI cho biết, theo Nghị quyết của Chính phủ, tỷ lệ 50% được tính chung cho các điều kiện kinh doanh bị cắt giảm (bãi bỏ) và đơn giản hóa (sửa đổi). Có nghĩa là, một điều kiện kinh doanh được bãi bỏ cũng tính tương đương với một điều kiện được sửa đổi. Điều kiện được sửa đổi, đơn giản hóa khá đa dạng: có những đề xuất chỉ sửa đổi vài câu chữ trong khi bản chất không thay đổi/ tính chất đơn giản hóa không đáng kể; có những đề xuất chỉ sửa đổi theo hướng hạ thấp điều kiện…
Trong một số phương án, có khá nhiều điều kiện được sửa đổi thay vị được bãi bỏ nếu đánh giá căn cứ vào tiêu chí trên thì điều kiện đó nên được đề xuất bãi bỏ. Như vậy, khi tổng hợp, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa của một số phương án khá cao.
Theo VCCI, nhắc đến điều kiện kinh doanh thì cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp, vì vậy việc tham vấn ý kiến cộng đồng sẽ góp phần tăng tính hợp ý, khả thi của các điều kiện kinh doanh ban hành.
Các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh mà các Bộ thực hiện, về mặt pháp luật không bắt buộc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động nhưng việc lấy ý kiến rộng rãi các phương án sẽ thể hiện thái độ nghiêm túc, tinh thần cầu thị của cơ quan quản lý.
“Đối với đợt rà soát này, sự cởi mở đối với cộng đồng doanh nghiệp giữa các cơ quan soạn thảo là khác nhau. Có những Bộ rất thiện chí, trong quá trình soạn thảo đã công khai phương án, phối hợp với đại diện của cộng đồng tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và có những giải trình rất minh bạch về việc tiếp thu hay không tiếp thu”, báo cáo đánh giá.
Phương Dung