Nguồn: DPR - Biểu đồ: Dương Hoàng |
Năm 2022 là giai đoạn Đồng Phú hoạt động tích cực ở mảng nệm cao su và thị trường Campuchia, tuy vậy doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ không bứt phá so với năm 2021 do giảm giá cao su xuất khẩu.
Trong năm 2021, giá cao su thiên nhiên thế giới đã luôn giữ ở mức cao từ 1.600USD đến 1.800USD/tấn và đã gần cán mốc 2.000/tấn trước khi giảm về vùng 1.400/tấn vào cuối năm 2022. Sự sụt giảm này bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ găng tay y tế giảm khi dịch Covid-19 toàn thế giới đã được kiểm soát tốt.
Bên cạnh đó, những lo ngại về khả năng phục hồi nhu cầu ở thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là Trung Quốc, cụ thể, trong quý III/2022, thời tiết nắng nóng đã làm ao hồ cạn nước, qua đó giảm sản lượng thủy điện huy động và đẩy Trung Quốc vào tình trạng thiếu điện diện rộng. Ngành sản xuất vốn tiêu thụ lượng điện lớn nhất trong cơ cấu đã phải cắt bớt công suất và một số nhà máy đã phải tiến hành đóng cửa tạm thời do chi phí năng lượng thay thế quá lớn.
(Nguồn: Hiệp hội cao su Việt Nam - Biểu đồ: Dương Hoàng). |
Hiện Việt Nam chỉ cung cấp 9% trong tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, trong khi con số này ở nước láng giềng Thái Lan là 29%, chính vì không nắm sản lượng cung ứng đủ lớn nên giá bán cao su thiên nhiên của doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào giá cao su thế giới.
Nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng âm trong lợi nhuận của Đồng Phú năm 2022 đến từ mức nền cao năm 2021. Vào quý IV/2021, công ty đã nhận được khoản đền bù đất trị giá hơn 200 tỷ đồng, qua đó giúp lợi nhuận năm 2021 đạt 472 tỷ đồng.
Do mảng trồng cao su có lợi ích kinh tế thấp và thời gian kiến thiết cơ bản lên tới 7-8 năm, trong các năm vừa rồi, xu hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cao su sang phát triển khu công nghiệp là động lực chính giúp nâng biên lợi nhuận của công ty. Điều này có thể thấy ở biên lợi nhuận ròng khi loại bỏ khoản đền bù từ nhượng đất khu công nghiệp đã tăng đáng kể kể từ năm 2014 tới nay, bất chấp yếu tố giá cao su giảm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận một số giai đoạn.
Trong 10 năm tới, hoạt động nhượng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cao su sang phát triển khu công nghiệp sẽ mang lại dòng tiền kinh doanh ổn định cho Đồng Phú.
Theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Phước, 2.000 ha đất đang được quản lý bởi doanh nghiệp sẽ được chuyển giao cho đơn vị khác với mức đền bù tối thiểu 1 tỷ đồng/ha, thời gian chuyển giao kéo dài từ 10 đến 15 năm. Bên cạnh đó, Đồng Phú cũng dự định dành ra 2.000 ha đất để phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, trong đó 797 ha sẽ được dùng để phát triển khu công nghiệp Bắc và Nam Đồng Phú. Sau khi quá trình chuyển đổi hoàn tất, Đồng Phú sẽ chỉ còn sở hữu 5.300 ha đất trồng cao su, tuy vậy do lợi ích kinh tế đến từ phát triển khu công nghiệp và nhượng lại đất lấy tiền đền bù vượt trội hoạt động trồng cao su nên Cao su Đồng Phú vẫn giữ được sự an tâm của cổ đông.
Dương Hoàng