Vừa qua, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam.
Theo các chuyên gia ngành điện, quy luật thị trường thay đổi hàng ngày nên giá điện cũng cần phải thay đổi để tiệm cận với thị trường.
Trao đổi với phóng viên, GS.Viện sĩ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội điện lực Việt Nam nói: Đây là một đề án quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Giá điện, trong đó có vấn đề biểu giá điện bậc thang bán lẻ liên quan đến hầu hết người dân. Bởi hiện nay, tỉ lệ điện khí hóa của Việt Nam đã lên đến 98% nếu tính theo các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, giá điện cũng liên quan mật thiết đến doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), liên quan đến sự tồn tại và phát triển của một ngành rất quan trọng.
Về Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ mới, nhìn chung các tác giả tham gia nghiên cứu đã thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề cần phải thảo luận trước khi áp dụng.
Trong đề án mới về biểu giá bán lẻ điện mới, nhóm tác giả đã đề xuất liên quan rút gọn bậc thang giá điện theo phương án 5 bậc, 4 bậc, 3 bậc. Ông thấy phương án nào hợp lý?
Cá nhân tôi nghiêng về phương án 5 bậc. Bởi thứ nhất, 5 bậc là số bậc vừa phải so với tình hình thực tế hiện nay. Cách tính mới đã gộp hai bậc đầu (từ 0-50 kWh và từ 50-100 kWh) thành 1 bậc từ 0-100 kwh.
Việc gộp hai bậc này làm một bậc là rất hợp lý vì trung bình, số hộ tiêu thụ số điện ở bậc thang đầu tiên chiếm tỷ lệ tương đối lớn.
Còn các bậc tiếp theo về điện năng sử dụng từ 100 kWh - 200 kWh, 200 kWh – 400 kWh và 400 kWh–700 kwh và bậc cuối cùng trên 700 kwh là tương đối phù hợp với các mức tiêu thụ điện thực tế của các hộ gia đình Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên vẫn còn một điểm bất hợp lý trong đề án này, đó là tính công bằng trong thanh toán tiền điện đối với mỗi người dân. Ở cả biểu giá điện cũ lẫn đề án mới này đều chưa có gì cải thiện. Và không chỉ ở Việt Nam, điều này cũng còn ở một số nước trên thế giới.
Công bằng là cần tính theo số điện năng tiêu thụ trên đầu người chứ không phải là tính số tiêu thụ điện năng trên hộ gia đình. Hộ gia đình ở Việt Nam quy mô thay đổi trong một giới hạn rất rộng.
Có những gia đình độc thân chỉ có 1 người cho đến những gia đình lớn hơn có tới 7,8 người, thậm chí cả chục người. Nếu chúng ta tính giá điện theo hộ gia đình như vậy, tính toán tỉ mỉ ra hộ càng lớn, chi phí tiền điện sẽ càng lớn và như vậy, người sống trong hộ đó sẽ càng thiệt.
Tôi nghĩ hoàn toàn có thể khắc phục được bất cập này trong tương lai, bằng cách đối với mỗi hợp đồng mua bán điện giữa hộ gia đình với bên điện lực, khi tiến hành ký kết, trong hợp đồng cần nói rõ mỗi hộ có bao nhiêu người để ngành điện có thể chia cụ thể điện năng tiêu thụ trên đầu người, thay vì chia tính theo hộ như hiện nay.
Ông từng nêu bất cập về thời gian cao điểm – thấp điểm khi sử dụng điện. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Tất cả nghiên cứu trong đề án được xem xét đều được dựa trên cái gọi là khung giờ cao điểm, trung bình, thấp điểm. Quy về giờ này đã được nhà nước đưa ra cách đây hàng chục năm. Nó không còn phù hợp với biểu đồ thực tế hiện nay của hệ thống điện Việt Nam.
Khi tất cả những tính toán dựa trên số liệu đầu vào là khung giờ không hợp lý, tất yếu sẽ dẫn đến những kết quả sai lệch. Nếu theo dõi sát biểu đồ sử dụng điện của toàn hệ thống điện Việt Nam, sẽ thấy xuất hiện thời điểm tiêu thụ điện rất lớn, chiếm tỷ lệ áp đảo, đó là khoảng thời gian từ 1h30-4h30 chiều.
Thời điểm tiêu thụ lớn nhất mới được coi là cao điểm và rơi vào buổi trưa hàng ngày. Tuy nhiên, trong quy định của Nhà nước hiện hành thì lại không coi thời gian này là cao điểm, mà khung giờ được Nhà nước quy định là cao điểm lại rơi vào chiều tối.
Với thực tế hiện nay, chiều tối lại không phải là giờ cao điểm tiêu thụ điện năng nữa. Do vậy, để có những tính toán khoa học hợp lý hơn thì việc đầu tiên là chúng ta phải nghiên cứu và đưa ra quy định mới về “khung giờ cao điểm và thấp điểm” trung bình quy định cho hệ thống điện của Việt Nam.
Cũng cần phải lưu ý, quy định này phải được cập nhật hàng năm, chứ không phải để kéo dài thời gian đến cả chục năm vẫn áp dụng thì sẽ không phù hợp với tình hình thực tế tại thời điểm thực hiện.
Đề án biểu giá bán lẻ mới còn đề xuất luật hoá chu kỳ điều chỉnh giá điện 6 tháng/ lần. Theo ông, đề xuất này có hợp lý hay không?
Hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bất kỳ thị trường gì thì cũng có những thay đổi hàng ngày. Hay nói cách khác, giá cả thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thế nhưng, giá điện hiện nay được chúng ta đang điều chỉnh khá tùy tiện, lúc thì 2 năm, lúc 3 năm mới điều chỉnh, lúc lại 1 năm. Thay đổi như vậy là hoàn toàn sai quy luật về thị trường. Nhiều nước trên thế giới điều chỉnh giá điện theo một chu kỳ nhất định và gần nhau.
Như Thái Lan, cứ 4 tháng họ lại điều chỉnh giá điện một lần. Đến hẹn lại lên, cứ đến kỳ cần điều chỉnh, ngành điện sẽ xem xét xem có thay đổi gì cần phải điều chỉnh hay không, nếu không có gì biến động, không có thay đổi gì lớn họ vẫn sẽ giữ nguyên giá, song vẫn phải đặt vấn đề ra để xem xét và thông tin một cách minh bạch để toàn xã hội biết.
Như vậy thì người dân, báo chí, giới truyền thông sẽ không phải “rộ" lên mỗi lần giá điện được điều chỉnh.
Vì cứ theo định kỳ, giá điện sẽ được thông báo, được xem xét một cách minh bạch về cơ chế đầu vào, giá thành sản xuất... Sau đó, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với đơn vị điện lực xem xét cụ thể có nên điều chỉnh hay không.
Ngoài ra, cơ chế điều chỉnh giá và thời điểm điều chỉnh cũng cần cân nhắc sao cho hợp lý, tránh những xáo trộn quá lớn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Mạnh (Ghi)